Chăm sóc người lao động trong dịp nắng nóng

Ngày đăng: 01:22:28 - 26/ 05 /2020

Những ngày qua, các tỉnh miền Bắc hứng chịu đợt nắng nóng gay gắt, có những ngày nhiệt độ lên tới 41 độ C. Với đặc thù của ngành Giao thông vận tải là môi trường làm việc của người lao động chịu tác động trực tiếp của các yếu tố thời tiết như nắng, nóng, nhất là trong thi công xây dựng các công trình giao thông, dịch vụ vận tải, nhà máy. Để đảm bảo sức khỏe cho người lao động và hoạt động sản xuất kinh doanh Công đoàn GTVT Việt Nam đã ban hành văn bản số 231/CĐN ngày 26/5/2020 về việc tổ chức chống nóng cho người lao động.
 
Với đặc thù của ngành Giao thông vận tải là môi trường làm việc của người lao động chịu tác động trực tiếp của các yếu tố thời tiết như nắng, nóng, nhất là trong thi công xây dựng các công trình giao thông, dịch vụ vận tải, nhà máy… thời tiết nắng nóng, đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường làm việc, sức khỏe và sinh hoạt của người lao động. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, nhiệt độ trong các đợt nắng nóng năm nay nhiều khả năng đạt mức cao, từ tháng 4 đến tháng 9/2020, nhiệt độ phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 0,5 đến 1 độ C. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp.



Đ/c Đỗ Nga Việt, Chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam cùng đoàn công tác xuống kiểm tra
công tác ATVS-PCCN và 
tổ chức chống nóng cho người lao động 
 
Ban Thường vụ Công đoàn GTVT Việt Nam đề nghị các công đoàn cấp trên cơ sở và cơ sở trực thuộc chủ động quan tâm và phối hợp với chuyên môn thực hiện tốt một số nội dung sau:
1. Tăng cường tuyên truyền về công tác ATVSLĐ, ảnh hưởng của những điều kiện thời tiết cực đoan, nắng nóng đến môi trường làm việc, sức khỏe người lao động, nắm bắt kịp thời thông tin về tình hình diễn biến thời tiết để thực hiện các biện pháp phòng chống nắng nóng kịp thời.
2. Tổ chức thời gian thi công trên công trường hợp lý để đảm bảo tránh nắng cho người lao động; bổ sung vật dụng che nắng để người lao động có thể tránh nắng vào những giờ cao điểm; thực hiện tốt việc trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, chống nóng, chống nắng. Đầu tư cải thiện điều kiện làm việc, trang bị, bổ sung thiết bị y tế, thuốc phòng chống say nắng, say nóng; tạo môi trường làm việc, nghỉ ngơi cho người lao động. Riêng đối với các doanh nghiệp hoạt động có tính chất nặng nhọc, độc hại thì cần phải thực hiện đầy đủ các chế độ bồi dưỡng đối với người lao động. Tăng cường thực hiện các giải pháp về đảm bảo sức khỏe cho người lao động, trong đó, chú trọng vào thực hiện các giải pháp về đảm bảo chất lượng bữa ăn ca, chế độ dinh dưỡng hợp lý, quan tâm đến nước uống, chế độ dinh dưỡng phù hợp, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn tập thể.
3. Thực hiện tốt công tác huấn luyện ATVSLĐ, xác định các giải pháp phòng, chống nắng nóng, huấn luyện, hướng dẫn cho người lao động nhận biết các biểu hiện và các cách sơ, cấp cứu người lao động bị say nắng. Công đoàn cơ sở chỉ đạo mạng lưới an toàn vệ sinh viên tăng cường công tác kiểm tra, nhắc nhở người lao động về công tác ATVSLĐ; việc sử dụng các thiết bị chống nóng, thông gió tại nơi làm việc.
4. Về công tác phòng chống dịch Covid-19, các cấp công đoàn cần phối hợp tốt với chuyên môn thực hiện hiệu quả các biên pháp phòng chống dịch bệnh, theo dõi và quản lý tốt sức khỏe đoàn viên, không chủ quan, mất cảnh giác bởi nguy cơ lây nhiễm vẫn còn rất lớn. Cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh theo quy định,  nhằm thực hiện mục tiêu vừa phòng chống dịch bệnh, vừa bảo đảm thực hiện tốt công tác sản xuất, kinh doanh của đơn vị.
 Ban Thường vụ Công đoàn GTVT Việt Nam yêu cầu các công đoàn cấp trên cơ sở và cơ sở trực thuộc cần quan tâm thực hiện tốt các nội dung trên, nhằm đảm bảo an toàn lao động và sức khỏe của người lao động.

Một số hình ảnh Pano tuyên truyền về phòng chống nóng

 


 

Ban Chính sách - Pháp luật