Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh: Tập trung tuyên truyền, kéo giảm TNGT do rượu bia

Ngày đăng: 04:00:23 - 08/ 02 /2022

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kéo giảm TNGT do rượu bia.
Kịp thời động viên đội ngũ bác sỹ, y tá và cán bộ nhân viên trực tiếp tham gia cấp cứu, điều trị nạn nhân TNGT và công tác TKCN hàng hải trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, sáng 8/2, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Phạm Bình Minh đến thăm và chúc Tết tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức (Bệnh viện Việt Đức) và và Trung tâm TKCN hàng hải Việt Nam.
Cùng đi có Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng, lãnh đạo Bộ Y tế...

 

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh phát biểu, chúc Tết đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Tỷ lệ TNGT do rượu, bia vẫn còn cao
Ông Phạm Gia Anh, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Bệnh viện Việt Đức cho biết, trong 9 ngày nghỉ Tết, trung bình mỗi ngày, bệnh viện Việt Đức tiếp nhận hơn 100 trường hợp bệnh nhân đến khám, cấp cứu. Trong đó, 56 trường hợp liên quan đến TNGT, 70% trong số đó phải nhập viện.
"Tỷ lệ bệnh nhân TNGT có nồng độ cồn trong máu vẫn cao. Riêng ngày mùng 2 Tết, tỷ lệ ca TNGT có cồn trong máu rất cao, là 32,7%”, ông Phạm Gia Anh thông tin.
So với hai năm trước, tỷ lệ bệnh nhân TNGT có cồn trong máu năm 2022 là 18,5%, thấp hơn năm 2021 (19,7%) nhưng cao hơn so với năm 2020 - năm đầu tiên thực hiện Nghị định 100 của Chính phủ (10,3%)
Chúc Tết các giáo sư, bác sĩ, nhân viên y tế tại Bệnh viện Việt Đức, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh biểu dương và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, lòng nhân ái của tập thể cán bộ, nhân viên y tế trong bệnh viện đã không chỉ nỗ lực cứu chữa người bệnh mà còn tham gia vào tuyến đầu chống dịch Covid-19 trong suốt thời gian qua.
Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán, đội ngũ giáo sư, cán bộ, bác sĩ và nhân viên y tế đã túc trực ngày đêm, xử lý kịp thời, nhanh chóng các ca bệnh do TNGT.
Nhấn mạnh 5 trụ cột về ATGT đường bộ là: công tác quản lý, hạ tầng cơ sở an toàn, phương tiện giao thông, người tham gia giao thông an toàn và ứng phó sau tai nạn kịp thời, hiệu quả. Trong đó, việc ứng phó sau tai nạn, cứu người bị TNGT là nhiệm vụ quan trọng đóng góp vào việc giảm tỷ lệ tử vong do TNGT.

 

Phó Thủ tướng trao các phần quà động viên các gia đình nạn nhân TNGT
có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

“Đáng mừng, dịp Tết Nguyên đán 2022, TNGT đã giảm cả 3 tiêu chí so với năm trước. Điều đó thể hiện cơ sở hạ tầng giao thông đang được phát triển tốt, việc tham gia giao thông của người dân ngày càng trách nhiệm hơn”, Phó Thủ tướng nói, song cũng bày tỏ trăn trở khi báo cáo của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho thấy, tỷ lệ TNGT do rượu, bia vẫn còn cao.
“Cơ quan chức năng cần lưu tâm, tăng cường tuyên truyền giáo dục để người tham gia giao thông nâng cao nhận thức, không sử dụng rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện.
Thời gian tới, các giáo sư, bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cần tiếp tục phát huy truyền thống cứu chữa được nhiều bệnh nhân hơn nữa, giảm tối đa tỷ lệ tử vong nói chung, tỷ lệ tử vong do TNGT nói riêng”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trực tiếp xuống thăm hỏi các bác sĩ trực Tết và người bệnh tại khoa cấp cứu, hồi sức tích cực; Trao quà cho cán bộ hai đơn vị tuyến đầu trong cứu chữa nạn nhân TNGT tại Bệnh viện Việt Đức, gồm: Khoa Phẫu thuật chấn thương chung và Khoa phẫu thuật thần kinh 1.
Đại diện Ủy ban ATGT Quốc gia, Phó Thủ tướng trao quà thăm hỏi, hỗ trợ 10 gia đình nạn nhân TNGT có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại Bệnh viện Việt Đức.

 

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trao quà chúc Tết cán bộ, viên chức, người lao động
Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải Việt Nam

Nâng cao năng lực cứu nạn, bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia
Rời bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp tục chuyến thăm và chúc Tết tại Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam (Vietnam MRRC).
Ông Bùi Văn Minh, Tổng giám đốc Vietnam MRRC cho biết, với vai trò là lực lượng chủ trì hoạt động TCKN trên vùng biển Việt Nam và tham gia phối hợp TKCN trên vùng biển quốc tế, dưới sự chỉ đạo của các cấp chức năng, trong giai đoạn 2016 - 2021, lực lượng cứu nạn hàng hải đã xử lý hơn 3.200 vụ việc báo nạn; điều động phương tiện chuyên dụng tìm kiếm cứu nạn trực tiếp tại hiện trường 432 lần; cứu, hỗ trợ trực tiếp 5.450 người bị nạn trên biển, trong đó có 215 người nước ngoài; cứu và hỗ trợ 446 tàu, trong đó có 11 tàu nước ngoài.
Đặc biệt, trong khoảng thời gian trên, lực lượng cứu nạn hàng hải đã thực hiện cứu nạn trực tiếp 68 vụ việc tại khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
“Riêng năm 2021, Trung tâm xử lý tổng cộng 373 vụ việc báo nạn; cứu, hỗ trợ 568 người bị nạn trên biển, trong đó có 32 người nước ngoài; cứu, hỗ trợ 37 tàu thuyền các loại.
Trong 9 ngày Tết Nhâm Dần, Trung tâm duy trì thường trực tìm kiếm cứu nạn 24/24, tiếp nhận 6 thông tin báo nạn, kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý thông tin, không có thiệt hại về người và phương tiện”, ông Minh thông tin.
Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song, theo lãnh đạo Vietnam MRRC, hoạt động TKCN trên biển vẫn gặp nhiều khó khăn khi phụ trách khu vực TKCN rộng lớn với 3.260km chiều dài bờ biển, vùng biển rộng hơn 1 triệu km2 nhưng phương tiện cứu nạn hiện chỉ có 7 chiếc. Trong đó, chỉ có một tàu được cải tiến két nước, nâng phạm vi hoạt động từ 250 hải lý lên khoảng 400 hải lý.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá những đóng góp to lớn của Vietnam MRRC trong thời gian qua đã thể hiện tính nhân đạo, vừa hỗ trợ phương tiện, ngư dân, thuyền viên, vừa đảm bảo quốc phòng an ninh.
Trước nhiệm vụ lớn lao mà lực lượng cứu nạn hàng hải được giao phó, Bộ trưởng cũng bày tỏ sự trăn trở khi Bộ GTVT dù rất mong muốn đầu tư thêm hai tàu TKCN chuyên dụng, song mới chỉ cân đối nguồn vốn đầu tư được một tàu trong 5 năm tới.
“Để đội tàu TKCN trên biển được hiệu quả hơn, bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia, Cục Hàng hải VN cần tiếp tục có văn bản báo cáo Bộ kiến nghị Chính phủ xem xét, đầu tư khi cân đối được nguồn vốn, kể cả ODA, PPP”, Bộ trưởng nói.

 

Trong khuôn khổ buổi làm việc, Phó Thủ tướng cũng trực tiếp "mục sở thị"
trung tâm chỉ huy tìm kiếm cứu nạn trên biển

Đánh giá cao kết quả Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải Việt Nam đạt được, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, Trung tâm đóng vai trò quan trọng trong phối phối hợp với tất cả các lực lượng: hải quân, kiển ngư, cảnh sát biển, thậm chí là các tàu cá gần vùng biển xảy ra vụ việc nhanh nhất, cứu chữa người gặp nạn trên biển.
Bên cạnh nhiệm vụ phát triển KT-XH, Vietnam MRRC và các lực lượng trên biển còn mang trách nhiệm lớn lao hơn là bảo vệ chủ quyền biển, đảo đất nước.
“Việt Nam có chủ quyền và quyền chủ quyền trên biển rất lớn, việc bảo vệ chủ quyền biển đảo là trách nhiệm chung của toàn thể các lực lượng từ hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư, TKCN bảo vệ ngư trường trong khu đặc quyền kinh tế”, Phó Thủ tướng nói và yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu đề xuất trong tăng cường năng lực cứu hộ, cứu nạn.
Để đóng được những con tàu có tầm hoạt động xa, bên cạnh việc cân đối, đưa vào kế hoạch trung hạn, Bộ GTVT cũng cần nghiên cứu, kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét từ một số nguồn vốn khác như: vốn vay ưu đãi, hỗ trợ, kể cả đề xuất hợp tác quốc tế với một số nước cung cấp tàu đã qua sử dụng”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

 
Ban TGNC (Nguồn Báo GT)