Kỳ tích làm đường vận chuyển quân lương vào “chảo lửa” Điện Biên Phủ

Ngày đăng: 02:41:34 - 09/ 09 /2024

Để phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, hàng nghìn kilomet đường được mở, với sự tham gia của hơn 260 nghìn người, tương đương 3 triệu ngày công.
Để phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, hàng nghìn kilomet đường được mở, với sự tham gia của hơn 260 nghìn người, tương đương 3 triệu ngày công.
Các cung đường huyền thoại khi xưa giờ lại trở thành những tuyến huyết mạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên nói riêng, các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung.
Mở đường giữa gian khổ, hiểm nguy
Bà Hoàng Thị Thoa, Phó giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ có nhiều năm nghiên cứu, sưu tầm về lịch sử Điện Biên cho biết, một trong những công việc quan trọng hàng đầu phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ chính là mở đường, sửa đường hành quân lên Tây Bắc và đảm bảo cung cấp quân lương cho mặt trận.


Thi công đèo Lũng Lô, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái sang Ngã Ba, Cò Nòi (Sơn La) năm 1953.

Lúc này, Tây Bắc chỉ có duy nhất đường số 41 chạy từ Hòa Bình qua Mộc Châu, lên Sơn La đến Tuần Giáo nhưng tuyến đường này đã bị hư hỏng nặng. Từ Tuần Giáo vào Điện Biên Phủ chỉ có đường mòn dài 89km nhưng cũng hỏng gần như hoàn toàn, nhiều đoạn mất hết dấu vết.
Trước thực tế đó, nhiệm vụ mở đường, sửa cầu phà, phá bom nổ chậm, vận chuyển thương binh, quân trang, lương thực... được Trung ương giao lực lượng thanh niên xung phong.
Từ đầu năm 1954, một số trục đường từ Việt Bắc lên Tây Bắc đã được sửa chữa, một số tuyến qua các sườn núi xung quanh Điện Biên Phủ được làm mới. Trên chiến trường Tây Bắc, thanh niên xung phong phối hợp với Trung đoàn 52 công binh và hàng nghìn dân công mở 87km đường mới nối liền đường 13 với đường 41, nối thông hậu phương với tiền tuyến lớn Tây Bắc.

 

Cầu Phao gỗ vượt Sông Hồng trên bến Âu Lâu, thành phố Yên Bái.

Đầu tháng 4/1954, Pháp ra sức ném bom, đánh phá ác liệt các tuyến đường giao thông trọng điểm như đèo Pha Đin, ngã ba Cò Nòi, cầu Tà Vài… Những nơi này trở thành "túi bom".
Dẫu vậy, tất cả đều không ngăn được tinh thần "tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng" của hàng chục vạn thanh niên xung phong. Bất chấp gian khổ, hiểm nguy, họ cùng nhau bạt núi xuyên rừng, phá đá mở từng mét đường.
"Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ. Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát. Dù bom đạn xương tan, thịt nát. Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh...". Hình ảnh đó đã được nhà thơ Tố Hữu khắc họa chân thực trong bài thơ: "Hoan hô chiến sỹ Điện Biên".
Ngày cảnh giới, đêm phá bom
Năm nay đã 90 tuổi, song ký ức về một thời gian khổ nhưng hào hùng chưa khi nào phai mờ trong tâm trí ông Vi Văn Tính (phường Yên Ninh, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái). Cách đây 70 năm, ông Tính tình nguyện tham gia làm nhiệm vụ bảo đảm ATGT cho đường 13 (quốc lộ 37 hiện nay), đoạn qua ngã ba Cò Nòi, Mai Sơn, Sơn La.

 

Ông Vi Văn Tính (phường Yên Ninh, TP Yên Bái) cách đây 70 năm từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Nhiệm vụ của ông Tính là đảm bảo giao thông, phá bom nổ chậm. Ban ngày, ông cùng đồng đội lên đỉnh cao nhất để quan sát quân Pháp ném bom, những quả bom nào chưa nổ thì cắm cờ. Tới đêm ra gác, xong xuôi làm ám hiệu để đồng đội ra san gạt đường. Những hố bom khoét sâu 4-5m, rộng tới hơn chục mét phải được san lấp nhanh chóng để quân ta tiếp viện cho chiến trường.
"Có những ngày, chỉ một đoạn đường dài 400-500m mà có hàng chục hố bom sâu, bom nổ chậm nằm sâu dưới mặt đất. Ngã ba Cò Nòi là nơi quân Pháp rải xuống không biết bao nhiêu bom, có ngày tới 300 quả hòng chặn đường quân ta tiếp viện cho Điện Biên. Dù lúc đó ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh nhưng không một ai sờn chí", ông Tính nhớ lại.
Năm nay cũng đã 93 tuổi, song mỗi khi nhắc về chiến thắng Điện Biên, ông Nguyễn Duy Hằng (xã Thanh Luông, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) vẫn không khỏi bồi hồi.
Đầu năm 1953, khi đó ông là công nhân cầu đường thuộc Ty Giao thông tỉnh Phú Thọ, dù mới cưới vợ nhưng cả hai vợ chồng đều lập tức lên đường, tham gia thanh niên xung phong, làm nhiệm vụ tại đèo Pha Đin.
"Lúc đó, tôi được phân công về tiểu đội phá bom, vợ tôi về tiểu đội y tế. Tiểu đội tôi có 12 người, được phân công bảo vệ 5km đường với nhiều khúc cua tay áo trên đèo, nơi Pháp liên tục bắn phá. Lúc đó giữa sống và chết mong manh lắm, nhưng chúng tôi chưa khi nào sợ hãi", ông Hằng kể.
Những tuyến đường huyết mạch
Ngày nay, các tuyến đường vận chuyển quân lương trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã được đổi tên và nhiều lần được nâng cấp, cải tạo, mở rộng.

 

Một góc đèo Pha Đin, trên QL6, nối giữa hai tỉnh Điện Biên và Sơn La.

Theo đó, tuyến đường nối từ Yên Bái sang Phú Thọ đến Sơn La hiện là quốc lộ 37 (đường 13 cũ). Tuyến đường từ Hà Nội dẫn lên Hòa Bình, Sơn La đến huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên là quốc lộ 6 (đường 41 cũ). Hai tuyến đường trên giao nhau tại ngã ba Cò Nòi, thuộc xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Ngoài ra, tuyến đường từ huyện Tuần Giáo đến TP Điện Biên Phủ hiện nay là quốc lộ 279 (đường 42 cũ).
Trước năm 2009, quốc lộ 6 từ Hà Nội đến Điện Biên có tổng chiều dài 406km. Sau đó, tuyến đường đã nhiều lần được cải tạo, nâng cấp và bảo trì mặt đường đoạn Hòa Bình - Sơn La và Sơn La - Tuần Giáo (Điện Biên) nên đã cải tuyến, cắt ngắn chỉ còn 383,207km. Đến nay, thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Điện Biên chỉ còn 7 giờ, thay vì 14 giờ như trước.
Riêng quốc lộ 279, đoạn từ huyện Tuần Giáo đến cửa khẩu Tây Trang (Điện Biên) trước năm 2010 có tổng chiều dài 116km. Sau năm 2010, dự án cải tạo đoạn Điện Biên - Tuần Giáo được triển khai nên chiều dài chỉ còn hơn 112km, mặt đường được nâng cấp, mở rộng giúp phương tiện lưu thông thuận tiện, an toàn.
Ông Phạm Trọng Tài, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Điện Biên chia sẻ: "Không chỉ là những tuyến đường huyền thoại, góp công làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, các tuyến đường đã góp phần kết nối, giao thương giữa Điện Biên và các địa phương, thúc đẩy du lịch, kinh tế phát triển".
Theo lãnh đạo Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, năm 1954, chỉ trong thời gian ngắn, bộ đội cùng thanh niên xung phong và dân công đã ngày đêm bạt núi, xuyên rừng mở các nhánh đường đi lên Điện Biên Phủ. Ngoài ra còn mở đường kéo pháo; sửa hàng trăm kilomet đường cũ từ Hòa Bình đến Sơn La, từ Yên Bái đến Sơn La, mở mới hoàn toàn 89km đường từ Tuần Giáo vào Điện Biên Phủ…
Các tuyến đường đã bảo đảm cung cấp quân lương, hậu cần cho 87.000 người tham gia chiến đấu. Nếu kể cả hậu phương, dân công lên tới 261.450 người, 628 xe ô tô 20.991 xe đạp thồ, 914 ngựa, 736 xe trâu kéo, 1.000 thuyền. Khối lượng vật chất phục vụ chiến dịch lên tới 20.000 tấn, trong đó có 1.200 tấn đạn, 1.783 tấn xăng dầu, gần 25.000 tấn lương thực...
TGNC (Nguồn BGT)