Rà soát 5 quy hoạch chuyên ngành GTVT giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày đăng: 09:06:51 - 17/ 03 /2021

Ngày 16/3, tại trụ sở Bộ GTVT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp rà soát nội dung 5 quy hoạch chuyên ngành đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không, hàng hải giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Toàn cảnh cuộc họp
 
Tham dự cuộc họp có các đồng chí Thứ trưởng: Nguyễn Ngọc Đông, Lê Đình Thọ, Nguyễn Nhật, Lê Anh Tuấn; đồng chí Đỗ Nga Việt, UVBCS Đảng Bộ GTVT, UVBCH Tổng LĐLĐ VN, Chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam và các thành viên Ban Cán sự đảng Bộ GTVT; lãnh đạo Văn phòng Bộ; các Vụ: Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, Pháp chế, Vận tải, Kết cấu hạ tầng giao thông, Đối tác công tư, Hợp tác quốc tế; Cục: Hàng không Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam; Tổng cục Đường bộ Việt Nam; Viện Chiến lược và Phát triển GTVT; Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI).
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện nay Bộ GTVT đang hoàn chỉnh 5 Quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gồm: Quy hoạch mạng lưới đường bộ; quy hoạch mạng lưới đường sắt; quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển; quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay; quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa). Dự kiến theo chương trình công tác của Chính phủ, Bộ GTVT sẽ làm việc với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mới về quy hoạch của 5 lĩnh vực chuyên ngành GTVT, qua đó có ý kiến chỉ đạo các bộ, ngành thẩm định trước khi phê duyệt.
Bộ trưởng đề nghị Tư vấn báo cáo kết quả điều chỉnh quy hoạch GTVT đến năm 2030, tầm nhìn 2050 trên 5 lĩnh vực; giải trình rõ nhóm dự án có trong quy hoạch nhưng chưa làm, có vai trò đặc biệt quan trọng, cần thiết phải làm trước để tạo tính lan tỏa, tạo kết nối tốt; nêu rõ những dự án còn giá trị quy hoạch cũ mà tính kế thừa, cần xem xét đầu tư, đặc biệt là nhóm dự án mang tính đột phá, trước đây quy hoạch không có, nhưng sau khi tiếp thu ý kiến các địa phương cần phải đưa vào trong quy hoạch, đây là 2 nhóm dự án cần đưa vào quy hoach; đề xuất kiến nghị đối với từng lĩnh vực để phát huy hiệu quả quy hoạch. Bộ trưởng đề nghị các đại biểu dự họp nêu ý kiến góp ý đối với nội dung Quy hoạch, tập trung xem xét, đề xuất quan điểm làm thế nào để kết nối đồng bộ 5 lĩnh vực tốt nhất, ưu tiên hình thành hệ thống giao thông kết nối các lĩnh vực, giảm chi phí logistics… 
 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Tư vấn sớm hoàn thiện nội dung 5 quy hoạch

Qua ý kiến của các thành viên dự họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu đơn vị Tư vấn, các Cục chuyên ngành tiếp thu, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện nội dung 5 quy hoạch trước khi báo cáo Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ GTVT thông qua. Cụ thể, nội dung quy hoạch phải đánh giá sâu sắc tính kết nối đồng bộ các lĩnh vực; đánh giá điểm nghẽn của từng quy hoạch hiện nay, từ đó đề ra giải pháp khắc phục, để làm sao đồng bộ được 5 lĩnh vực; nêu được các hạn chế; đề xuất nhóm cơ chế, chính sách đầu tư đưa vào quy hoạch. Lãnh đạo Bộ GTVT cũng yêu cầu quy hoạch nêu bật được tổng thể ngành GTVT, từ quan điểm chung, dẫn đến quan điểm, giải pháp đối với từng lĩnh vực. Quy hoạch cũng phải nêu bật được cơ chế, chính sách đột phá đầu tư, cơ chế tăng tỷ trọng đầu tư… 
Bộ trưởng đề nghị Vụ Kế hoạch Đầu tư, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT và các đơn vị liên quan tiếp tục phối hợp làm việc với đơn vị Tư vấn, các Cục chuyên ngành để thống nhất, hoàn thiện, đảm bảo chất lượng nội dung 5 quy hoạch.
Trong khuôn khổ cuộc họp diễn ra từ ngày 16 - 17/3/2021, Lãnh đạo Bộ GTVT tiếp tục nghe Tư vấn báo cáo chi tiết nội dung 5 quy hoạch chuyên ngành; tập trung làm rõ điểm nhấn, điểm mới của từng lĩnh vực; kết nối giao thông; nhu cầu vốn; danh mục dự án ưu tiên đầu tư; giải pháp chính sách thực hiện quy hoạch. Đồng thời, các đại biểu dự họp nêu ý kiến góp ý đối với từng lĩnh vực quy hoạch. Từ đó, Tư vấn và các Cục chuyên ngành hoàn thiện nội dung, đảm bảo chất lượng các Quy hoạch trước khi Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt các quy hoạch theo kế hoạch tiến độ đề ra.
Ban TGNC (Nguồn Cổng TTĐT Bộ GTVT)