Ông Nguyễn Đình Khang giữ chức Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XIII

Ngày đăng: 11:18:58 - 03/ 12 /2023

Sáng 3.12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Thành phố Hà Nội, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam diễn ra phiên bế mạc.

Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XIII ra mắt đại hội. Ảnh: Tô Thế

10h50: Ông Nguyễn Mạnh Hà - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN, Phó Chánh Văn phòng kiêm Giám đốc Văn phòng B - Nhà khách Tổng Liên đoàn trình bày dự thảo Nghị quyết Đại hội

10h40: Đại hội chia tay các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII.

 

Đại hội chia tay các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra
Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII. Ảnh: Đình Hải
 

10h30: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương tặng hoa chúc mừng Ban Chấp hành mới.

10h27: Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang thay mặt Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XIII phát biểu nhận nhiệm vụ.

 
 
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang thay mặt Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XIII
phát biểu nhận nhiệm vụ. Ảnh: Tô Thế 

10h20: Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Thái Thu Xương báo cáo kết quả phiên họp thứ nhất Ban Chấp hành Tổng LĐLĐV khóa XIII
Bà Thái Thu Xương thông tin, tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XIII, bầu 28 đồng chí tham gia Đoàn Chủ tịch; bầu đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giữ chức Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XIII và bầu 5 đồng chí, gồm: Đồng chí Phan Văn Anh, đồng chí Ngọ Duy Hiểu, đồng chí Thái Thu Xương, đồng chí Huỳnh Thanh Xuân, đồng chí Nguyễn Xuân Hùng giữ chức Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn khóa XIII; bầu Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khoá XIII gồm 17 đồng chí và bầu đồng chí Nguyễn Minh Dũng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Đảm bảo các điều kiện hoạt động của tổ chức Công đoàn trong bối cảnh mới
10h05: Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu trình bày báo cáo tổng hợp kiến nghị của đoàn viên, người lao động và tổ chức Công đoàn với Đảng, Nhà nước.
Công đoàn Việt Nam nêu đề nghị Đảng và Nhà nước đảm bảo các điều kiện hoạt động của tổ chức Công đoàn trong bối cảnh mới; quan tâm tính đặc thù của tổ chức Công đoàn trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp tổ chức hoạt động.
Tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam diễn ra chiều 2.12, bên cạnh các kiến nghị liên quan đến tiền lương, an sinh, phúc lợi xã hội cho người lao động, ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã nêu lên nhiều kiến nghị liên quan đến hoạt động của Công đoàn Việt Nam.
Theo đó, đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật, trong đó có pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích và trách nhiệm của người lao động và hoạt động công đoàn. Các dự án luật cần được khảo sát kỹ lưỡng, lấy ý kiến rộng rãi đối tượng chịu tác động trực tiếp; các quy định đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động, người sử dụng lao động và Nhà nước, quan tâm bảo vệ đối tượng yếu thế, thúc đẩy sự cân bằng, hài hòa trong quan hệ lao động; giúp người lao động được thụ hưởng thành quả xứng đáng với sự đóng góp của họ trong gần 40 năm đổi mới đất nước.
Đề nghị Đảng, Nhà nước quan tâm tính đặc thù của tổ chức Công đoàn trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp tổ chức hoạt động.
Cụ thể, Công đoàn Việt Nam vừa là tổ chức chính trị- xã hội trong hệ thống chính trị nước ta, vừa là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động:
(1) Công đoàn được giao quản lý tài chính, tài sản theo hệ thống ngành dọc, xuyên suốt từ Tổng Liên đoàn xuống đến công đoàn cơ sở. Công đoàn tự thu kinh phí, đoàn phí để tổ chức hoạt động và đảm bảo duy trì bộ máy cán bộ công đoàn chuyên trách, tất cả hưởng lương từ Tổng Liên đoàn. Đây cũng là thông lệ chung của các nước trên toàn thế giới để đảm bảo Công đoàn độc lập với cơ quan nhà nước theo tiêu chuẩn lao động quốc tế. Do vậy, ngoài cán bộ làm công tác phong trào phục vụ tổ chức, công đoàn cần lực lượng cán bộ chuyên môn cấp thiết làm công tác tài chính.
(2) Số lượng đoàn viên và công đoàn cơ sở tăng nhanh do yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;
(3) Công đoàn đối mặt với việc cạnh tranh thành viên và tổ chức hoạt động trong bối cảnh pháp luật cho phép ra đời tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Đây là nhiệm vụ mới, khó khăn, nặng nề, chưa có tiền lệ, đòi hỏi tổ chức Công đoàn phải đổi mới mạnh mẽ, đảm bảo nguồn lực đủ mạnh và sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối, thường xuyên của các cấp ủy đảng, sự phối hợp tích cực, trách nhiệm của các cấp chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị.
Cùng với đó, Đảng và Nhà nước đảm bảo các điều kiện hoạt động của tổ chức Công đoàn trong bối cảnh mới
Với đặc thù tự đảm bảo thu- chi trong toàn hệ thống, thành viên và tổ chức phát triển nhanh, liên tục, nhiệm vụ ngày càng khó khăn, nặng nề, hệ thống Công đoàn đòi hỏi nguồn lực con người phải đủ về số lượng, không ngừng nâng cao về chất lượng để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong bối cảnh mới. Các cấp công đoàn rất ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước về tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy theo tinh thần “giảm nơi thừa và người yếu”. Những năm gần đây, các cấp công đoàn bám sát chỉ đạo chung, đã nghiêm túc thực hiện giảm biên chế trong toàn hệ thống. Tuy nhiên, so với yêu cầu đẩy mạnh phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở và nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn, thì biên chế cán bộ công đoàn chuyên trách hiện nay đang thiếu hụt lớn, nhiều công đoàn cấp trên cơ sở không đủ nhân lực để đến các doanh nghiệp vận động, phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở; một tỉ lệ không nhỏ LĐLĐ cấp huyện chỉ có từ 3-4 cán bộ, cá biệt có đơn vị chỉ có 2 cán bộ, dẫn đến việc phân công nhiệm vụ gặp khó khăn (mỗi cơ quan công đoàn đều cần phân công 01 kế toán, 01 thủ quỹ kiêm nhiệm các công việc khác), trong khi khó có thể phân công lãnh đạo kiêm nhiệm được. 
Cá biệt một số cấp ủy địa phương lựa chọn cán bộ làm lãnh đạo công đoàn chưa phù hợp với năng lực, sở trường của cán bộ và yêu cầu ngày càng cao của tổ chức Công đoàn; có nơi trong thời gian ngắn thay đổi nhiều cán bộ công đoàn chủ chốt, nhất là người đứng đầu, dẫn đến chất lượng hoạt động của tổ chức Công đoàn bị ảnh hưởng.
Việc tuyển dụng cán bộ công đoàn ở các địa phương được tổ chức cùng đợt tuyển dụng cán bộ cho cơ quan của Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị với những yêu cầu, tiêu chuẩn, điều kiện cơ bản giống nhau trên cơ sở các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, có mặt không còn phù hợp với chuyên môn ngày càng sâu của cán bộ công đoàn trước yêu cầu mới. Hoạt động công đoàn ngày càng hội nhập sâu rộng, triển khai chủ yếu ở các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, đòi hỏi cán bộ công đoàn phải có kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cần thiết; điều này phù hợp với việc tuyển dụng đội ngũ cán bộ công đoàn chủ yếu trưởng thành từ cơ sở, nhất là chủ tịch công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp.
Tại Đại hội này, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trân trọng đề nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng quan tâm có cơ chế phân bổ biên chế phù hợp với số lượng đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sớm được thí điểm thực hiện cơ chế tuyển dụng cán bộ từ nguồn cán bộ công đoàn trưởng thành từ cơ sở, trong phong trào công nhân theo Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”.
Cùng với việc quan tâm, bổ sung biên chế và cho thí điểm cơ chế tuyển dụng cán bộ công đoàn, trân trọng đề nghị Đảng, Nhà nước trong việc sửa đổi Luật Công đoàn sắp tới cần quan tâm tiếp tục duy trì kinh phí công đoàn như Luật hiện hành, đảm bảo nguồn lực đủ mạnh để Công đoàn Việt Nam chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong bối cảnh cạnh tranh công đoàn; ban hành các quy định nâng cao hơn nữa vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn, nhất là cho phép công đoàn có quyền độc lập (chứ không chỉ tham gia) giám sát việc chấp hành pháp luật liên quan đến người lao động đối với người sử dụng lao động; trách nhiệm của người sử dụng lao động trong phối hợp với công đoàn thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở để đảm bảo quyền làm chủ của người lao động.
Đổi mới chế độ lương tối thiểu vùng, hướng tới lương đủ sống
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nêu nhiều kiến nghị liên quan đến tiền lương, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho người lao động.
Theo đó, cần đột phá trong tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách về giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đổi mới quản lý nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, thực hiện đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bổ sung, đào tạo kỹ năng, đào tạo công nghệ theo yêu cầu cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cho công nhân.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, nhất là thu hút các dự án đầu tư của doanh nghiệp có công nghệ cao, năng lực quản trị tốt, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, có trách nhiệm xã hội. Hạn chế thu hút các doanh nghiệp thâm dụng lao động, ý thức chấp hành pháp luật thấp, trách nhiệm xã hội không cao.
Công đoàn cũng đề xuất tiếp tục nghiên cứu, đổi mới chế độ lương tối thiểu vùng, hướng tới lương đủ sống cho người lao động.
Huy động nguồn lực toàn xã hội thúc đẩy Đề án một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030; quan tâm quy hoạch, xây dựng trường học, cơ sở khám chữa bệnh nơi có đông công nhân; hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, giúp người lao động nhận rõ lợi ích, có niềm tin ở lại lâu dài với hệ thống bảo hiểm, đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội cho người lao động không chỉ lúc đang làm việc mà cả lúc họ nghỉ hưu.
Ngoài ra, sớm nghiên cứu, sửa đổi, điều chỉnh thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của công nhân, lao động.
Chính phủ giao Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các bộ, ngành sớm nghiên cứu thực hiện nội dung Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV (Nghị quyết số 101/2019/QH14) “…Giao Chính phủ căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nghiên cứu đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường đối với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần và báo cáo Quốc hội xem xét vào thời điểm thích hợp”, hướng tới đảm bảo sự công bằng giữa thời giờ làm việc của người lao động khu vực cơ quan, hành chính nhà nước (40 giờ/tuần) và khu vực doanh nghiệp (48 giờ/tuần); tạo điều kiện để người lao động nghỉ ngơi, tái sản xuất sức lao động, chăm sóc con cái, đảm bảo hạnh phúc gia đình.
Nghiên cứu tăng ngày nghỉ lễ, tết hàng năm vào thời điểm thích hợp, vì số ngày nghỉ này của nước ta đang thấp hơn bình quân chung của các nước Đông Nam Á và thế giới từ 5-6 ngày. Nghiên cứu bổ sung tăng 2 ngày nghỉ lễ dịp Quốc khánh (nghỉ từ mùng 2-5.9), tạo cơ hội cho công nhân được đưa con đến trường trong ngày khai giảng. Đây là nguyện vọng rất thiết tha của số đông công nhân có con đang tuổi đến trường.
Công đoàn cũng đề nghị cần tăng cường quản lý nhà nước, hạn chế tình trạng người sử dụng lao động vi phạm pháp luật đối với người lao động.
Thường xuyên thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động, nhất là các doanh nghiệp không hoặc chậm trả lương, trốn đóng bảo hiểm xã hội, để xảy ra tai nạn lao động, gây khó khăn cho hoạt động công đoàn và người lao động.
Khắc phục tình trạng bỏ qua hoặc xử lý nhẹ doanh nghiệp vi phạm pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích người lao động của chính quyền một số địa phương vì quan niệm cho rằng đảm bảo môi trường đầu tư. Đảm bảo quản lý chặt chẽ, đúng pháp luật việc việc thành lập và hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, không để lợi dụng việc thành lập, hoạt động để xâm phạm quyền lợi người lao động, gây khó khăn cho doanh nghiệp, làm mất an ninh, trật tự.
Chính phủ sớm có chủ trương trình cấp có thẩm quyền có chính sách đặc thù để giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho hơn 200 nghìn người lao động bị nợ bảo hiểm xã hội do doanh nghiệp giải thể, pháp sản, chủ bỏ trốn hoặc tái cơ cấu.
Cùng với đó, tăng cường hơn nữa trách nhiệm lãnh đạo của các cấp ủy và sự phối hợp của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức, doanh nghiệp đối với hoạt động công đoàn
Lãnh đạo cấp ủy các cấp, nhất là những địa phương, ngành có đông công nhân, quan hệ lao động phức tạp cần định kỳ làm việc với ban thường vụ công đoàn các cấp; lựa chọn cán bộ có năng lực, trình độ, hiểu biết về công nhân, công đoàn, nắm vững chính sách, pháp luật, có phương pháp vận động quần chúng tốt làm cán bộ công đoàn, đảm bảo ổn định, ít nhất là 1/2 nhiệm kỳ.
Chú trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, giới thiệu vào cấp ủy các cấp tỉ lệ cần thiết cán bộ trưởng thành từ công nhân, phong trào công nhân và công đoàn. Những địa phương có đông công nhân cần quan tâm cơ cấu các đồng chí chủ tịch liên đoàn lao động là ủy viên thường vụ cấp ủy theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW.
Chính quyền các cấp tích cực phối hợp với công đoàn trong việc chăm lo đời sống, bảo vệ quyền lợi người lao động; tuyên truyền, phổ biến pháp luật; giải quyết tranh chấp lao động tập thể. Người đứng đầu chính quyền định kỳ đối thoại để lắng nghe và giải quyết các vấn đề bức xúc của công nhân, lao động và công đoàn.
Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị, các tổ chức và doanh nghiệp cần tích cực phối hợp hơn nữa với công đoàn các cấp trong việc chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên, hội viên và người lao động. 
“Những kiến nghị trên đây là mong muốn, nguyện vọng chung của đông đảo công nhân lao động và cán bộ công đoàn cả nước trân trọng gửi tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. Kính mong được lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương ghi nhận, quan tâm xem xét, giải quyết” – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nói.
10h04: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương đến dự phiên bế mạc đại hội.
 

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự phiên bế mạc đại hội. Ảnh: Đình Hải

Ông Huỳnh Thanh Xuân cho biết, trong phiên làm việc chiều 1.12, tại 10 trung tâm thảo luận đã ghi nhận 36 ý kiến của đại biểu về Dự thảo Điều lệ Công đoàn Việt Nam (sửa đổi, bổ sung).
Hầu hết các ý kiến của đại biểu đều bày tỏ sự đồng tình và đánh giá cao quá trình nghiên cứu sửa đổi bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn khoá XII.
Các ý kiến góp ý tập trung và các quy định về đối tượng gia nhập Công đoàn Việt Nam; quyền và nhiệm vụ của đoàn viên công đoàn; hình thức đình chỉ đối với cán bộ công đoàn; về nguyên tắc tổ chức và hoạt động công đoàn; về nhiệm vụ, quyền hạn của công đoàn cấp cơ sở, về mô hình tổ chức công đoàn và ý kiến liên quan đến tài chính, tài sản công đoàn.
Đoàn Chủ tịch Đại hội đề nghị tiếp thu các ý kiến về bổ sung quy định nhiệm vụ của Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở chỉ đạo hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân vào Dự thảo Điều lệ; tiếp thu, bổ sung vào Điểm b Khoản 2 Điều 16 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn bộ phận, tổ công đoàn do Đoàn Chủ tịch hướng dẫn chi tiết.
Tiếp thu, chỉnh sửa lại một số câu từ để các quy định của Điều lệ được đảm bảo chặt chẽ rõ ràng.
Đoàn Chủ tịch cũng tiếp thu một số ý kiến để nghiên cứu quy định trong hướng dẫn Điều lệ.
Một số ý kiến Đoàn Chủ tịch Đại hội đề nghị ghi nhận để nghiên cứu, nếu đủ cơ sở về lý luận và phù hợp thực tiễn thì ban hành quy định thực hiện, như: Ý kiến đề nghị xem xét kết nạp người là hiệu trưởng các trường ngoài công lập vào Công đoàn Việt Nam; ý kiến đề nghị đổi tên công đoàn viên chức để phù hợp với đối tượng tập hợp hiện nay có cả cán bộ, công chức, chứ không phải chỉ có viên chức.
Những ý kiến khác, Đoàn Chủ tịch Đại hội đề nghị Đại hội giữ nguyên như dự thảo điều lệ do về cơ bản đã thể hiện trong dự thảo điều lệ, phù hợp với các quy định khác và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn….
Báo cáo tiếp thu, giải trình vào dự thảo Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XII trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam
9h15: Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu báo cáo tiếp thu, giải trình tập trung vào những nội dung lớn của dự thảo Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn khóa XII trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, thảo luận dự thảo Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng của Đại hội, thu hút sự quan tâm sâu sắc, trách nhiệm của các đại biểu dự Đại hội. Đại hội đã nhận được rất nhiều đăng ký tham luận, phát biểu của đại biểu, có 93 lượt ý kiến phát biểu tại 10 Diễn đàn chuyên đề, có 156 lượt ý kiến phát biểu tại 10 Trung tâm thảo luận, có 11 lượt ý kiến phát biểu tại hội trường.
Nhìn chung, không khí thảo luận sôi nổi, tâm huyết, thẳng thắn, trách nhiệm. Nội dung các ý kiến phong phú, toàn diện, trí tuệ. Các ý kiến thảo luận đã phân tích làm sáng tỏ, sâu sắc thêm và bổ sung một số nội dung quan trọng về vấn đề chung và những vấn đề cụ thể.
Về 10 diễn đàn thảo luận chuyên đề trước khi khai mạc chính thức Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, đây là điểm mới của Đại hội kỳ này nhằm lấy ý kiến của đông đảo cán bộ, đoàn viên tiêu biểu cả nước về 10 vấn đề lớn, nhiệm vụ trọng tâm đặt ra đối với Công đoàn Việt Nam hiện nay.
Thông qua trao đổi, thảo luận sôi nổi, đã có nhiều đề xuất sáng kiến nhằm tiếp tục đổi mới toàn diện hoạt động Công đoàn Việt Nam để thích ứng với bối cảnh tình hình mới; góp phần xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, hiện đại; đóng góp trực tiếp và nhiều hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.
Các ý kiến góp ý từ các Diễn đàn sẽ được Đoàn Chủ tịch, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhiệm kỳ 2023 – 2028 tiếp thu vào quá trình xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam và các chương trình trọng tâm, nghị quyết chuyên đề của nhiệm kỳ, đồng thời phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động công đoàn nhiệm kỳ 2023–2028.
Về kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, các đại biểu đánh giá Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, có nhiều đổi mới từ kết cấu đến nội dung.
Đồng thời, đã đánh giá thực chất kết quả hoạt động công đoàn đạt được nhiệm kỳ qua, phản ánh được ý kiến, nguyện vọng của đông đảo cán bộ, đoàn viên, người lao động cả nước; chỉ rõ những khuyết điểm, yếu kém, rút ra 5 bài học kinh nghiệm cụ thể, sâu sắc.
Một số ý kiến đề nghị cụ thể như sau:
Đề nghị đánh giá sâu hơn chất lượng hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, hội nghị người lao động, khẳng định rõ hơn vai trò của công đoàn trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; chỉ đạo hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân; đánh giá sâu hơn về mạng lưới an toàn, vệ sinh viên; về nỗ lực của các cấp công đoàn trong phòng, chống dịch bệnh COVID–19; về kết quả đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Đồng thời cần đánh giá sâu sắc hơn kết quả công tác nắm bắt dư luận xã hội, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị; đánh giá sâu và đầy đủ hơn về công tác truyền thông Công đoàn vì công tác này nhiệm kỳ qua có nhiều đổi mơi, đạt kết quả nổi bật; bổ sung nội dung Công đoàn tham gia xây dựng nông thôn mới.
Đề nghị bổ sung thêm đánh giá về Chương trình số 1306/CTr-TLĐ ngày 15.8.2019 về “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước giai đoạn 2019-2023”.
Đồng thời có ý kiến đề nghị bổ sung về việc kết quả thực hiện Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” và Chương trình “1 triệu sáng kiến, nỗ lực vượt khó, sáng tạo quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” đã góp phần thực hiện Chương trình số 1306/CTr-TLĐ ngày 15.8.2019 về “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước giai đoạn 2019-2023”.
Đoàn Chủ tịch ghi nhận, nghiên cứu, chắt lọc, tiếp thu để hoàn thiện nội dung báo cáo trước khi phát hành.
Về hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, có ý kiến đề nghị nên đánh giá nguyên nhân chủ quan trước rồi mới đến nguyên nhân khách quan. Đoàn Chủ tịch đề xuất giữ nguyên và giải trình như sau: Việc kiểm điểm nguyên nhân khách quan rồi đến nguyên nhân chủ quan để đảm bảo tương thích với việc đánh giá bối cảnh tình hình từ quốc tế, trong nước rồi đến nội tại tổ chức.
Có ý kiến đề nghị cân nhắc việc đưa hạn chế: “Quy chế dân chủ ở cơ sở chưa được thực hiện tốt ở không ít cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp” vào báo cáo vì trên thực tế, nội dung này được thực hiện tại các công đoàn cơ sở rất tích cực.
Đoàn Chủ tịch đề xuất giữ nguyên và giải trình như sau: Triển khai thực hiện quy chế dân chủ cơ sở là nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Công đoàn. Thời gian vừa qua, việc triển khai thực hiện hiện dân chủ cơ sở có những chuyển biến tích cực, vai trò của công đoàn, đặc biệt là công đoàn cơ sở trong thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tiếp tục được nâng lên, tuy nhiên so với yêu cầu các Nghị quyết, chỉ thị của Đảng và pháp luật của Nhà nước thì nhiều nơi còn thực hiện chưa tốt, chưa thực chất, cần nỗ lực nhiều hơn nữa để đáp ứng mong muốn, nguyện vọng của người lao động và yêu cầu của Đảng.
Có ý kiến đề nghị bổ sung nguyên nhân đối với cấp cơ sở hiện nay cán bộ thay đổi quá nhiều: Đoàn Chủ tịch đề xuất giữ nguyên và xin giải trình: hiện nay trong dự thảo Báo cáo đã đề cập: “Đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách thiếu, nhiều biến động, ở cấp cơ sở chủ yếu kiêm nhiệm, hưởng lương của doanh nghiệp, thường xuyên thay đổi trong khi công tác tập huấn, bồi dưỡng còn hạn chế”.

Về mục tiêu, chỉ tiêu và khâu đột phá, phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 2023-2028, trên cơ sở gợi ý của Đoàn Chủ tịch Đại hội, đã có 135 lượt ý kiến thảo luận, đưa ra nhiều giải pháp, kiến nghị xác đáng, tổng hợp một số nội dung cụ thể.
Theo đó, các đại biểu đánh giá phần phương hướng, nhiệm vụ giải pháp hoạt động công đoàn trong 5 năm tới của dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam được nghiên cứu, xây dựng công phu, bài bản, toàn diện; đã cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết số 02 ngày 12.6.2021 của Bộ Chính trị “về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”; Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm 2021-2030, những điểm mới của Bộ luật Lao động 2019 và các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, để có những dự báo về tình hình.
Từ đó định hướng các nhiệm vụ, giải pháp trên từng lĩnh vực cụ thể, đặc biệt thống nhất cao 10 chỉ tiêu, 3 khâu đột phá trong hoạt động công đoàn để tập trung thực hiện trong thời gian tới đạt kết quả.
Đề nghị Công đoàn phối hợp tham gia triển khai 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội
Tiếp đó, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đã báo cáo về việc tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đoàn viên, người lao động.
Theo đó, một số ý kiến đề nghị cần có các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác tham gia xây dựng chính sách pháp luật của tổ chức Công đoàn, đặc biệt là Luật Công đoàn (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)...
Đồng thời nâng cao trình độ cán bộ làm chính sách, tham gia xây dựng pháp luật; nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ tại tòa án của tổ chức công đoàn; đào tạo đội ngũ luật sư công đoàn.
Tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động; về phối hợp triển khai có hiệu quả Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của người lao động; về tăng cường thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, huy động các nguồn lực để chăm lo, hỗ trợ cho người lao động; rà soát, ký kết các thỏa thuận hợp tác có chất lượng, nâng cao phúc lợi cho người lao động; phối hợp tham gia triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.
Ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, Đoàn Chủ tịch ghi nhận, nghiên cứu, chắt lọc, tiếp thu để hoàn thiện nội dung Báo cáo trước khi phát hành và trong quá trình chỉ đạo và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.
Quan tâm xây dựng vị trí việc làm và vấn đề biên chế của cán bộ công đoàn
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, một số ý kiến đề nghị cần bổ sung các giải pháp, nguồn lực cho công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở để đạt được mục tiêu nhiệm kỳ đạt 15 triệu đoàn viên, khi giao chỉ tiêu cần lưu ý tới nguồn lao động còn lại để giao cho hợp lý, tránh chỉ tiêu giao mà đơn vị không có khả năng thực hiện được trên thực tế vì hết nguồn.
Cần nghiên cứu cụ thể hóa nội dung ưu tiên về chuyển đổi số trong đăng ký, gia nhập, cấp thẻ đoàn viên theo hướng thuận tiện, linh hoạt; sớm nghiên cứu mô hình, hoạt động nghiệp đoàn phù hợp để tập hợp đối với người lao động sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin như Grab, Bee... tăng cường, có các giải pháp hiệu quả trong bảo vệ cán bộ công đoàn cơ sở, có cơ chế đãi ngộ khuyến khích tạo động lực đối với đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở kiêm nhiệm nhất là ở khu vực ngoài nhà nước.
Quan tâm có giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là cán bộ công đoàn cơ sở, tăng cường đào tạo kỹ năng hoạt động công đoàn gắn với thực tiễn tình hình doanh nghiệp, tình hình kinh tế- xã hội ở địa phương, cơ sở.
Thường xuyên tổ chức tập huấn các nội dung chuyên đề về thỏa ước lao động tập thể, đối thoại, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở cho đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở vì đây đều là các nội dung trọng tâm, cốt lõi, thiết thực đối với cơ sở, đồng thời nhằm thực hiện được khâu đột phá tập trung đối thoại, thương lượng theo dự thảo báo cáo.
Quan tâm đến việc xây dựng vị trí việc làm và vấn đề biên chế của cán bộ công đoàn nhất là cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở vì đây là đội ngũ trực tiếp hỗ trợ cho cán bộ công đoàn cơ sở trong triển khai nhiệm vụ; xem xét kiến nghị về việc cắt giảm bớt một số thủ tục, giấy tờ trong giới thiệu đoàn viên ưu tú là công nhân, lao động khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước cho Đảng bồi dưỡng kết nạp đảm bảo thuận tiện, khả thi.
Đoàn Chủ tịch ghi nhận, nghiên cứu, chắt lọc, tiếp thu để hoàn thiện nội dung Báo cáo trước khi phát hành và trong quá trình chỉ đạo và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.
TGNC (Nguồn Báo LĐ)