Đổi mới hoạt động Công đoàn - từ quan điểm của Bác tới hành động thực tiễn

Ngày đăng: 08:25:39 - 03/ 12 /2023

Một trong những bài nói chuyện cuối cùng trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời chính là với các đồng chí lãnh đạo Tổng Công đoàn Việt Nam. Đó là ngày 18.7.1969, khi đó sức khỏe Bác đã yếu nhưng vẫn đầy minh mẫn. Lời dạy của Người từng được coi là di chúc dành cho tổ chức Công đoàn. Cho đến tận bây giờ, bài nói chuyện ấy vẫn như kim chỉ nam để Công đoàn Việt Nam lớn mạnh.
 


Ảnh chụp từ sách chào mừng Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.

Lời nhắc nhở sâu sắc “mình vì mọi người”
Tại cuộc nói chuyện năm ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Bác đã nhiều lần gặp Công đoàn, hôm nay lại gặp các chú. Bác mong muốn các chú làm tốt công tác vận động, tổ chức, giáo dục quần chúng công nhân, viên chức làm tròn vai trò tiên phong cách mạng trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo. Khác hẳn với trước kia, công nhân bây giờ là người chủ đất nước, chủ xã hội, chủ cuộc sống. Bởi vậy mọi người đều phải thấm nhuần sâu sắc ý thức làm chủ tập thể và đạo đức cách mạng "mình vì mọi người".
Muốn thực hiện đúng vai trò làm chủ, giai cấp công nhân phải quản lý tốt kinh tế, quản lý tốt xí nghiệp, làm cho năng suất lao động không ngừng nâng cao, của cải xã hội ngày càng nhiều với phẩm chất tốt, giá thành hạ”.

 


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Phiên trọng thể
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII. Ảnh: Hải Nguyễn

Nói về năng suất lao động, Bác lấy những ví dụ từ chính Báo Lao Động. Bác nói: “Bác xem Báo Lao Động, có bài viết về chuyện một số công nhân nào đó mỗi ngày chỉ làm rất ít giờ. Bác rất đau lòng. Luật Nhà nước quy định mỗi công nhân, viên chức phải làm việc 8 giờ. Nếu có người chỉ làm việc ít giờ thì rõ ràng người đó không làm tròn trách nhiệm với Nhà nước, với nhân dân.
Ai xây dựng chủ nghĩa xã hội? Nói chung là những người lao động trong xã hội gồm công nhân, nông dân, trí thức cách mạng... v.v, nhưng lực lượng chủ chốt xây dựng chủ nghĩa xã hội là công nhân. Trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước còn có những người như vậy là họ chưa giác ngộ quyền lợi giai cấp và rõ ràng công tác vận động công nhân chưa tốt.
Cán bộ Công đoàn phải thấy hết trách nhiệm trước nhân dân, trước xã hội và đối với sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước mà tự rèn luyện nâng cao ý chí cách mạng tiến công và tinh thần trách nhiệm. Có thế mới xây dựng được một đội ngũ công nhân có giác ngộ cao, có lòng yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội nồng nàn, có tinh thần làm chủ tập thể, thực sự có trình độ văn hóa và khoa học, kỹ thuật để đóng góp ngày càng nhiều cho công cuộc chống Mỹ, cứu nước và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội".
Về chức năng, tổ chức Công đoàn có 3 chức năng cơ bản là: Chức năng thứ nhất, đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ. Chức năng thứ hai, tham gia quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế. Chức năng thứ ba, giáo dục, động viên CNVCLĐ phát huy quyền làm chủ đất nước, thực hiện nghĩa vụ công dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong bài nói chuyện của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh vào chức năng thứ ba. Bác nói: “Công đoàn làm công tác giáo dục nhiều nơi còn chung chung, chính trị suông, chưa biết nắm công tác chính trị thúc đẩy sản xuất, động viên mọi người làm tròn trách nhiệm trong lao động sản xuất. Làm chung chung thì dễ, làm cụ thể phải chịu khó. Việc tự phê bình thế là tốt nhưng kết quả sửa thế nào mới là quan trọng. Trong công tác giáo dục phải gắn liền với nhiệm vụ cụ thể. Ví như nói giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo, thì cụ thể là phải gương mẫu trong sản xuất, gương mẫu trong đời sống. Nói lãnh đạo mà không gương mẫu thì lãnh đạo làm sao được?
Hiện nay trong hàng ngũ công nhân, có người - nhất là một số thợ mới vào nghề - còn thái độ lao động chưa tốt. Một con sâu làm rầu nồi canh, một số người không tốt làm ảnh hưởng tới cả giai cấp công nhân. Cho nên công đoàn phải giáo dục công nhân có tinh thần kiên quyết đấu tranh cho độc lập, tự do và xây dựng, phát triển kinh tế, đó là cái lớn. Đồng thời cũng phải kiên quyết phê bình người làm sai. Dù ai làm sai cũng thẳng thắn phê bình giúp đỡ nhau sửa chữa được tốt. Phải kiên quyết thực hiện đấu tranh trong nội bộ công nhân, viên chức để gạt bỏ những thói hư tật xấu của giai cấp bóc lột cũ còn rớt lại”.
Bác cũng không quên chức năng quan trọng khác của tổ chức Công đoàn là đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ. Người nói: “Vai trò của công nhân tham gia quản lý, đó là biểu hiện quyền làm chủ tập thể của công nhân, viên chức trong mọi mặt hoạt động của xí nghiệp. Quyền lợi của công nhân, viên chức gắn liền với sự phát triển của xí nghiệp và kinh doanh có lãi. Từ làm chủ tư liệu sản xuất, họ phải được làm chủ việc quản lý kinh tế, làm chủ việc phân phối sản phẩm lao động.
Công đoàn cần tập trung vào việc phát huy mạnh mẽ vai trò làm chủ tập thể của công nhân, viên chức trong việc tham gia quản lý xí nghiệp, quản lý kinh tế, quản lý Nhà nước để thực hiện tốt 3 cuộc cách mạng: Cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng kỹ thuật và cách mạng tư tưởng, văn hóa.
Công đoàn phải bảo vệ cho công nhân có quyền thực sự trong xí nghiệp, có quyền phê bình tất cả mọi việc và mọi người trong xí nghiệp. Họ có quyền phát biểu về mọi vấn đề quản lý xí nghiệp, sản xuất, đời sống...
Phải thật sự dân chủ trong việc bầu cử các Ban Chấp hành Công đoàn, bầu những người đại diện thực sự cho họ.
Tóm lại, phải làm cho công nhân có ý thức về toàn bộ hoạt động của xí nghiệp và đời sống kinh tế và văn hóa của xã hội, có như vậy mới phát huy được vai trò làm chủ của giai cấp công nhân.
Cán bộ Công đoàn phải là người hiểu biết sản xuất, đời sống, nguyện vọng của công nhân, viên chức, phải hiểu chính sách của Đảng, phải hiểu về quản lý kinh tế, khoa học, kỹ thuật”.
Công đoàn phải liên tục đổi mới
Không chỉ có cuộc nói chuyện với cán bộ lãnh đạo Tổng Công đoàn năm 1969, Bác còn nhiều bài phát biểu, nói chuyện khác về vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn. Tại Đại hội Công đoàn lần thứ II năm 1961, khi phát biểu trước Đại hội, Bác nói: “Nếu Công đoàn biết khuyến khích, áp dụng, cải tiến và phổ biến những sáng kiến thì năng suất lao động sẽ nâng cao không ngừng”.
“Khi công nhân và cán bộ đưa hết tinh thần và lực lượng để tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để làm tròn nhiệm vụ của người chủ thì Công đoàn cũng phải làm tròn nhiệm vụ của mình đối với họ. Cán bộ Công đoàn phải bốn cùng với công nhân. Công đoàn phải có biện pháp thiết thực để nâng cao trình độ văn hóa và kỹ thuật của công nhân, phải tùy khả năng cộng với cố gắng mà nâng cao vật chất của họ, phải chú ý bảo vệ sức khỏe, an toàn lao động và tăng cường công tác vệ sinh”.

 

Phiên trọng thể Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII. Ảnh: Hải Nguyễn

Sau đó 1 năm, khi nói chuyện tại Hội nghị cán bộ Công đoàn cơ sở toàn miền Bắc ngày 13.8.1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Công đoàn phải làm tốt công tác bảo hộ lao động, phải thật sự chăm nom nơi ăn, nhà ở của công nhân viên chức. Công đoàn các cấp cần cải tiến lề lối làm việc, cần đi sát quần chúng, tăng cường đôn đốc công tác kiểm tra, cần bớt giấy tờ từng đống và hội họp lu bù. Cán bộ Công đoàn cấp trên thường xuyên đi đến cơ sở để giúp họ một cách thiết thực hơn”.
Yêu cầu đổi mới để theo kịp tiến trình phát triển đòi hỏi tổ chức Công đoàn luôn phải tìm ra phương thức phù hợp, tiến bộ.
Tiếp thu và phát huy những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tổ chức Công đoàn, tại Đại hội lần thứ XII Công đoàn Việt Nam năm 2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Các cấp Công đoàn cần tập trung các nguồn lực, đổi mới hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động theo hướng phát triển các chương trình xuyên suốt toàn hệ thống gắn với các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội của công đoàn phục vụ trực tiếp và đúng đối tượng, thực hiện đồng bộ giữa trách nhiệm và thụ hưởng, lấy lợi ích là một trong những động lực quan trọng tập hợp, thu hút người lao động đến với tổ chức Công đoàn. Chú trọng bảo vệ các chế độ, chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, an toàn vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe và môi trường lao động cho công nhân. Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể. Chủ động tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Đẩy mạnh chương trình phúc lợi đoàn viên công đoàn để cụ thể hóa việc thực hiện lợi ích vật chất, lợi ích tinh thần, lợi ích chính trị mà tổ chức Công đoàn mang lại cho người lao động, nhất là các vấn đề về việc làm, nhà ở, nhà trẻ, giá điện, nước, chăm sóc sức khỏe... Chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, cấp bách của giai cấp công nhân”.
Yêu cầu đổi mới được cụ thể hóa tại Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12.6.2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Nghị quyết đặt ra nhiều vấn đề, mục tiêu, trong đó “Xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, có năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề đặt ra, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới; là cơ sở chính trị-xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước; làm tốt vai trò cầu nối, giữ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân, người lao động; xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động cả nước; góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước”.
Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư và Nghị quyết 02, trong nhiệm kỳ qua, tổ chức Công đoàn đã có nhiều đổi mới trong hoạt động, đặc biệt trong các nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động đạt kết quả nổi bật, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động; tham gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đồng hành với đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; tuyên truyền, vận động, giáo dục góp phần nâng cao nhận thức và lòng tin của đoàn viên, người lao động...
Bên cạnh thành tựu đạt được, nhiệm kỳ 2023 - 2028, tổ chức Công đoàn xác định nội dung đổi mới là cao hơn nữa chất lượng hoạt động tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của tổ chức Công đoàn, tập trung xây dựng hoàn thiện Luật Công đoàn (sửa đổi), các chính sách, pháp luật về lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội, nhà ở, thiết chế văn hóa cho công nhân, lao động; các chính sách đối với lao động làm việc trong các ngành nặng nhọc, độc hại... Làm tốt công tác nghiên cứu, điều tra, khảo sát, phát hiện, chủ động tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời chế độ, chính sách, pháp luật trên quan điểm lợi ích của người lao động; tăng cường phối hợp tổ chức thực hiện ở cơ sở và kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.
Đổi mới, đa dạng hình thức, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để tăng tính hiệu quả của công tác thông tin, tuyên truyền, tư vấn về chính sách, pháp luật cho người lao động, góp phần nâng cao nhận thức, năng lực nhận biết và tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng, giảm thiểu thiệt hại của người lao động, hạn chế bức xúc của tập thể người lao động. Nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số để đánh giá về việc đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động của các địa phương.
Với những nỗ lực, tổ chức Công đoàn nhắm vào 3 khâu đột phá trong nhiệm kỳ tới là tập trung đối thoại, thương lượng tập thể, mang lại lợi ích cho đoàn viên, người lao động, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, an toàn vệ sinh lao động. Xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là chủ tịch công đoàn tại doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động công đoàn, ưu tiên lĩnh vực quản lý đoàn viên và tài chính.
Đổi mới hoạt động công đoàn là nhiệm vụ trọng tâm nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển.
TGNC (Nguồn Báo LĐ)