Việt Nam cam kết tiếp tục cùng cộng đồng hàng hải quốc tế triển khai các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu

Ngày đăng: 10:16:37 - 30/ 11 /2023

Trong các ngày từ 27/11 đến 6/12/2023, đoàn công tác Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm dẫn đầu đã tham dự phiên họp Đại hội đồng lần thứ 33 của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) tại Luân Đôn, Vương quốc Anh.


Đoàn công tác Bộ GTVT tham dự phiên họp Đại hội đồng lần thứ 33

của Tổ chức Hàng hải quốc tế

Phiên họp lần thứ 33 là phiên họp thường kỳ được tổ chức hai năm một lần của Đại hội đồng IMO để thông qua các vấn đề quan trọng của ngành hàng hải quốc tế như việc triển khai các công ước quốc tế, vấn đề đào tạo, thay thế và an toàn sức khỏe thuyền viên, bầu Chủ tịch và Phó chủ tịch Đại hội đồng IMO cũng như tiến hành bầu các nước vào thành viên Hội đồng của IMO nhiệm kỳ 2024-2025.
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm nhấn mạnh, là thành viên của Tổ chức Hàng hải quốc tế từ năm 1984, Việt Nam đánh giá rất cao vai trò dẫn dắt quan trọng và nỗ lực của IMO vì sự phát triển bền vững của ngành hàng hải quốc tế, đặc biệt là trong những năm qua, khi ngành hàng hải thế giới phải đối mặt với nhiều thách thức mới như đại dịch Covid-19, vấn đề thay thế thuyền viên, ô nhiễm mỗi trường biển cũng như các vấn đề về an ninh, an toàn hàng hải khác.

 


Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm nhấn mạnh, Việt Nam đánh giá rất cao vai trò 
dẫn dắt quan trọng
và nỗ lực của IMO vì sự phát triển bền vững 
của ngành hàng hải quốc tế

Việt Nam là một quốc gia có vị trí địa chiến lược quan trọng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nằm trên tuyến hàng hải quốc tế huyết mạch nối hai đại dương lớn là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Việt Nam chia sẻ sự quan tâm chung với cộng đồng quốc tế trong việc tăng cường triển khai các công ước quốc tế của IMO trong các lĩnh vực mang tính truyền thống như an ninh, an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường biển, cũng như các vấn đề mới nổi như vận tải biển xanh, bền vững nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chính phủ Việt Nam luôn coi việc triển khai các công ước hàng hải quốc tế của IMO là một trong những ưu tiên trong phát triển ngành hàng hải Việt Nam. Thời gian qua, Việt Nam đã liên tục chủ động triển khai các quy định sửa đổi của nhiều công ước hàng hải quốc tế như Công ước SOLAS 1974 (Công ước an toàn sinh mạng con người trên biển), Công ước MARPOL 73/78 (Công ước quốc tế về Ngăn ngừa ô nhiễm từ tàu biển), Công ước STCW (Công ước quốc tế về các tiêu chuẩn huấn luyện, cấp chứng chỉ và trực ca thuyền viên)... Hiện nay, Việt Nam đang hoàn tất các thủ tục nội bộ cuối cùng để gia nhập Công ước BWM 2004 (Công ước quốc tế về kiểm soát, quản lý nước dằn và cặn nước dằn của tàu 2004), dự kiến hoàn tất trong tháng 12/2023.
Thứ trưởng cũng cho biết các nỗ lực của Việt Nam nhằm tăng cường thực hiện hiệu quả năng lượng “xanh, sạch” trong nhiều ngành và lĩnh vực, trong đó có ngành hàng hải. Việt Nam cam kết mạnh mẽ việc thực hiện trách nhiệm của quốc gia thành viên đối với IMO về bảo vệ môi trường, đặc biệt là vấn đề cắt giảm khí nhà kính, thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu carbon thấp và không carbon.
“Vấn đề chuyển đổi năng lượng xanh, bền vững là lĩnh vực mới và đòi hỏi sự nỗ lực chung tay của toàn thể cộng đồng hàng hải quốc tế, đặc biệt là cần xây dựng một cơ chế hỗ trợ nguồn lực tài chính, đào tạo nhân lực, công nghệ và xây dựng hoàn thiện thể chế đối với các quốc gia đang phát triển, qua đó đảm bảo “không có quốc gia nào bị bỏ lại phía sau” trong quá trình chuyển đổi giao thông bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Việt Nam ủng hộ các sáng kiến về xây dựng những cơ chế hỗ trợ trong thời gian tới. Do đó, đề nghị các quốc gia phát triển tăng cường hơn nữa các chương trình/dự án hỗ trợ cho các quốc gia đang phát triển. Việt Nam cam kết tiếp tục cùng với cộng đồng hàng hải quốc tế triển khai các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu mà IMO đã đề ra”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm nói.
Tại phiên họp Đại hội đồng IMO lần thứ 33, đoàn công tác Bộ GTVT tham gia nhiều hoạt động quan trọng như: Họp về nội dung và thông qua Tuyên bố chung; về thành lập Ủy ban về Thư Ủy nhiệm và các ủy ban khác; về các chiến lược, kế hoạch và sửa đổi; về các văn bản hợp nhất và sửa đổi Công ước IMO; Xem xét các báo cáo và các khuyến nghị của các ủy ban An toàn hàng hải, Pháp luật, Bảo vệ môi trường, Hợp tác kĩ thuật, Tạo điều kiện thuận lợi...

TGNC (Nguồn CTTĐT Bộ GTVT)