Nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn khối doanh nghiệp ngành Đường bộ Việt Nam

Ngày đăng: 01:42:26 - 21/ 05 /2020

Ngày 18/5, đoàn công tác Công đoàn GTVT Việt Nam do đồng chí Đỗ Nga Việt, UVBCS đảng Bộ GTVT, UVBCH Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam và Công đoàn Tổng cục ĐBVN đã có buổi làm việc với Công đoàn Cục QLĐB I và các Công đoàn cơ sở về nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn khối doanh nghiệp ngành Đường bộ và tặng quà công nhân lao động nhân tháng Công nhân.
Ngày 18/5, đoàn công tác Công đoàn GTVT Việt Nam do đồng chí Đỗ Nga Việt, UVBCS đảng Bộ GTVT, UVBCH Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam và Công đoàn Tổng cục ĐBVN đã có buổi làm việc với Công đoàn Cục QLĐB I và các Công đoàn cơ sở về  nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn khối doanh nghiệp ngành Đường bộ và tặng quà công nhân lao động nhân tháng Công nhân.


 
Đ/c Đỗ Nga Việt, Chủ tịch Công đoàn Giao thông vận tải Việt Nam
phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Công đoàn Cục QLĐB I

 
Được biết, Công đoàn Tổng cục ĐBVN là công đoàn cấp trên cơ sở trực thuộc Công đoàn GTVT Việt Nam, hoạt động theo mô hình 4 cấp. Hiện nay, đang quản lý trực tiếp 15 CĐCS trực thuộc, gồm: CĐ 4 Cục QLĐB khu vực, 4 Ban QLDA, 4 Trường dạy nghề, CĐ cơ quan Tổng cục, CĐ Cục QLXDĐB và CĐ Trung tâm kỹ thuật Đường bộ. Tổng số công đoàn cơ sở thành viên ( CĐCSTV) trực thuộc Công đoàn 4 Cục QLĐB khu vực là 63 đơn vị, trong đó có 30 tổ chức công đoàn thuộc khối các cơ quan HCNN, 33 tổ chức công đoàn thuộc khối doanh nghiệp cổ phần và đơn vị sự nghiệp công lập. 
Tuy nhiên, Công đoàn Việt Nam đang đứng trước những áp lực và thách thức lớn bởi hiện tại, người lao động có quyền tự nguyện tham gia hoặc không tham gia vào tổ chức Công đoàn Việt Nam. Khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Trong tương lai, người lao động có quyền tự do thành lập hoặc gia nhập tổ chức mà họ lựa chọn làm đại diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình. Đây là một thay đổi quan trọng đối với người lao động.
Trong tình hình đó, làm thế nào để các cấp công đoàn trong ngành Đường bộ với bề dày truyền thống tiếp tục thể hiện được vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động; Công đoàn ngành Đường bộ vẫn sẽ là trung tâm đoàn kết, thu hút, tập hợp các công đoàn hoạt động ngành nghề và đông đảo CBCNVC, người lao động tham gia với tư cách là thành viên; đây là một vấn đề lớn đặt ra đối với Công đoàn Tổng cục Đường bộ Việt Nam hiện nay.
Mặc dù chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động của tổ chức công đoàn được pháp luật thừa nhận. Song trên thực tế, việc thực thi các quy định về quyền và lợi ích của người lao động tại một số doanh nghiệp không như kỳ vọng. Một số cán bộ công đoàn ở cơ sở chưa thực hiện tốt quyền đại diện, bảo vệ người lao động theo quy định của pháp luật, như: tham gia đối thoại, thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể. Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ công đoàn chuyên trách chưa thực sự chuyên nghiệp, năng lực chuyên môn còn hạn chế; thiếu đội ngũ cán bộ công đoàn trưởng thành qua hoạt động thực tiễn. Vì thế, hoạt động công đoàn ngành Đường bộ chắc chắn sẽ gặp những khó khăn, thách thức không nhỏ trong bối cảnh, tình hình mới. Ông Hưng chia sẻ.
Ngoài ra, công tác vận động tuyên truyền chưa đủ mạnh, còn lúng túng, gượng ép; việc tổ chức các phong trào thi đua chưa sôi nổi, chưa thiết thực; dẫn đến Người sử dụng lao động chưa thấy được những lợi ích và hiệu quả của hoạt động công đoàn đối với doanh nghiệp mình. Doanh nghiệp lấy hiệu quả sản xuất kinh doanh, lợi nhuận làm trọng nên trong cơ chế, phương pháp chỉ đạo hoạt động của công đoàn cần phải được đổi mới, linh hoạt hơn, phù hợp hơn chứ không chỉ đạo như các cơ quan hành chính nhà nước. Chính vì vậy công tác tuyên truyền, tăng cường đối thoại với các doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức, đổi mới phương pháp vận động được coi là vấn đề cần phải quan tâm nhất hiện nay của Công đoàn Tổng cục.
 

Đ/c Nguyễn Việt Hưng, Chủ tịch Công đoàn Tổng cục Đường bộ Việt Nam
phát biểu tại buổi làm việc

 
Để củng cố và phát huy hơn nữa vai trò của công đoàn trong bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động, xử lý thỏa đáng và kịp thời các vấn đề nảy sinh trong lĩnh vực lao động, việc làm, quan hệ lao động, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội của đất nước, của ngành. Công đoàn Việt Nam nói chung và Công đoàn ngành GTVT nói riêng phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ; song muốn đổi mới thành công thì điều quan trọng trước hết là phải nâng cao năng lực của công đoàn cơ sở và đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp. Cán bộ công đoàn trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay không chỉ là cán bộ công vận thuần túy, mà phải là một chuyên gia về thuyết phục, tư vấn, thương lượng, đối thoại và dẫn dắt người lao động.
Vì vậy, các cấp Công đoàn trong ngành Đường bộ hiện nay cần nhìn nhận một cách thấu đáo, trực diện và khách quan về cơ cấu tổ chức bộ máy, mô hình hoạt động; đặc biệt là tình hình hoạt động của tổ chức công đoàn tại khối các doanh nghiệp cổ phần. Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Công đoàn Tổng cục đối với tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp cổ phần; tầm ảnh hưởng ra sao để phát huy hơn nữa, thực chất hơn nữa trong hoạt động công đoàn nhằm thực hiện đúng bản chất cốt lõi của Công đoàn Việt Nam? Nếu không mạnh dạn thay đổi để thích nghi với tình hình mới thì công đoàn các cấp trong ngành Đường bộ, nhất là tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp cổ phần khó có thể thực hiện được vai trò của mình trong bối cảnh hiện nay và những năm tiếp theo. Ông Hưng nhấn mạnh.
Do đó, để phát huy vai trò của tổ chức công đoàn khối doanh nghiệp, theo ông Hưng cho biết: Công đoàn ngành Đường bộ sẽ tập trung thực hiện các giải pháp để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hoạt động công đoàn tại các doang nghiệp trong các lĩnh vực; Phát huy vai trò chủ động, tích cực của Công đoàn cơ sở trong tổ chức thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể; nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ, chú trọng đối thoại để giải quyết những vấn đề mà công nhân, NLĐ quan tâm; tăng cường định hướng thông tin tuyên truyền ở cơ sở; tổ chức các hoạt động ở cơ sở xuất phát từ nhu cầu, đáp ứng nguyện vọng của đoàn viên, NLĐ bảo đảm tính thiết thực, theo hướng tăng những nội dung có lợi hơn cho người lao động…
Đồng thời, đưa ra những chế tài xử lý các trường hợp vi phạm chế độ chính sách lao động, tạo hành lang pháp lý cho cán bộ công đoàn cơ sở hoạt động. Đồng thời, kịp thời động viên, khen thưởng các cán bộ công đoàn cơ sở tiêu biểu, nhiệt tình để tạo động lực giúp họ hoàn thành tốt nhiệm vụ cũng như bảo vệ người lao động.
Nâng cấp các công đoàn cơ sở thành viên khối doanh nghiệp cổ phần hiện đang trực thuộc Công đoàn Cục QLĐB I, II, III, IV thành công đoàn cơ sở.
 

Đại diện lãnh đạo Công đoàn Giao thông vận tải Việt Nam
tặng quà cho đại diện các đơn vị nhân tháng công nhân

 
Nhất trí với đề án nâng cao chất lượng hoạt động của Công đoàn khối doanh nghiệp, đại diện tổ chức công đoàn các đơn vị này cơ bản nhất trí nâng cấp 28 công đoàn cơ sở thành viên các công ty cổ phần thành công đoàn cơ sở trực thuộc. Công đoàn Tổng cục sẽ ủy quyền các quyền hạn của công đoàn cấp trên cơ sở cho Công đoàn các Cục I, II, III, IV để có thẩm quyền trực tiếp chỉ đạo các công đoàn cơ sở doanh nghiệp tại địa bàn quản lý. 
Theo đại diện tổ chức công đoàn các doanh nghiệp thì mô hình này phù hợp với tình hình thực tế hoạt động, đồng thời vẫn giữ nguyên sự gắn bó truyền thống với các Cục quản lý đường bộ. 
Đồng thời, vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Công đoàn cơ sở được nâng lên; tài chính công đoàn của Công đoàn các đơn vị cổ phần được tăng lên. Việc tổ chức các phong trào thi đua chuyên ngành theo từng khối được triển khai thuận lợi do các doanh nghiệp chủ yếu ký hợp đồng kinh kế với các Cục QLĐB khu vực; Việc lãnh đạo, chỉ đạo, nắm bắt tình hình, thăm hỏi tại các đơn vị được kịp thời, sâu sát, thuận lợi do đã ủy quyền cho Công đoàn các Cục QLĐB khu vực; Các đề xuất, kiến nghị, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ SXKD do Công đoàn tổng hợp, kiến nghị với chuyên môn được giải quyết kịp thời, thuận lợi hơn.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, đồng chí Đỗ Nga Việt, Chủ tịch Công đoàn giao thông vận tải Việt Nam cho biết, thời gian qua tổ chức Công đoàn trong khối doanh nghiệp ngành đường bộ làm rất tốt vai trò bảo vệ người lao động của mình, đảm bảo các chính sách, chế độ, tiền lương cho người lao động. Tuy nhiên, hoạt động công đoàn trong khối doanh nghiệp cổ phần giai đoạn hiện nay cần tập trung hướng tới chức năng cơ bản, cốt lõi là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; đảm bảo người lao động được tôn trọng, quan tâm trong quan hệ lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và phát triển doanh nghiệp mang lại lợi ích cho chủ sử dụng lao động để các hoạt động công đoàn có tính bền vững, nhận được sự ủng hộ. 
Tổng hợp: Ban TGNC