Các dự án cấp bách phải hoàn thành trong năm 2021

Ngày đăng: 04:37:29 - 28/ 10 /2021

Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tại Hội nghị trực tuyến giao ban tháng 10 năm 2021, sáng 28/10.
Cùng dự có Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, Lê Anh Tuấn, Nguyễn Duy Lâm, Nguyễn Xuân Sang, Chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam Đỗ Nga Việt, lãnh đạo các Vụ, Cục thuộc Bộ.

 
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể  chủ trì Hội nghị

Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác 10 tháng năm 2021 và phương hưóng nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2021, Chánh Văn phòng Bộ GTVT Nguyễn Trí Đức cho biết, từ đầu năm đến nay, Bộ GTVT được Lãnh đạo Chính phủ giao 140 nhiệm vụ. Bộ đã hoàn thành 103 nhiệm vụ, chiếm 74%; chưa hoàn thành 37 nhiệm vụ, chiếm 26%, không có nhiệm vụ nào quá hạn.
Về công tác bảo đảm hoạt động vận tải gắn với phòng, chống dịch Covid-19, công tác phòng, chống lụt bão, ông Nguyễn Trí Đức cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021, Bộ đã kịp thời ban hành các hướng dẫn và quy dịnh tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải 05 lỉnh vực.
Bộ trưởng đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và đưa vào hoạt động ngay trong tháng 10/2021; thành lập 02 đoàn kiểm tra công tác tổ chức hoạt động vận tải tại các địa phương; tổ chức các hội nghị về vận tải logistic trong lĩnh vực hàng hải, đường thủy nội địa; Hội nghị tập huấn, hướng dẫn thực hiện các quy định của Bộ trong hoạt động vận tải, hoạt động thi công dự án, bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Bộ cũng đã ban hành 05 Công điện chỉ đạo Tổng cục ĐBVN, các Cục quản lý chuyên ngành và các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương kịp thời khắc phục hậu quả bão lũ, sửa chữa các tuyến quốc lộ, đường sắt, tổ chức hoạt động vận tải, tổ chức ứng trực đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt.

 

Chánh văn phòng Bộ GTVT Nguyễn Trí Đức báo cáo kết quả công tác 10 tháng năm 2021

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vận tải hành khách lũy kế tháng 10 ước đạt 120,6 triệu lượt khách, giảm 58,1% so với cùng kỳ, lũy kế 10 tháng ước đạt 2.141 triệu lượt khách, giảm 27.1% so với cùng kỳ. Luân chuyển hành khách ước đạt 3,545 triệu HK.km giảm 72,5% so với cùng kỳ, lũy kế 10 tháng ước đạt 86,32 tỷ HK.km giảm 34,9% so với cùng kỳ. Trong đó, vận chuyển hàng không (-48,2%), đường bộ (-27,1%), đường biển (- 31.1%), đường sắt (-59,9%), đường thủy (-23,7%).
Vận tải hàng hóa tháng 10 ước đạt 135,4 triệu tấn, giảm 18,3% so với cùng kỳ; lũy kế 10 tháng ước đạt 1.335 triệu tấn, giảm 6,7% so với cùng kỳ. Luân chuyến tháng 10 hàng hóa ước đạt 27 tỷ tấn.km, giảm 10,3% so với cùng kỳ, lũy kế 10 tháng ước đạt 269,8 tỷ tấn.km giảm 1,4% so với cùng kỳ. Trong đó, vận chuyển hàng không (-5,5%), đường bộ (-8,3%), đường thủy (-3,2%), đường biển (+2,9%), đường sắt (+9,8%). Khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển tháng 10 và 10 tháng năm 2021 ước đạt 56.068.0    tấn (không bao gồm hàng quá cảnh không xếp dỡ), tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020.
Về tình hình tai nạn giao thông, trong tháng 10 toàn quốc xảy ra 798 vụ, làm chết 377 người, bị thương 573 người. So với cùng kỳ năm 2020, giảm 542 vụ (- 40,45%), giảm 216 người chết (-36,42%), giảm 482 người bị thương (-45,69%).
Về công tác chuẩn bị đầu tư các dự án giai đoạn 2021-2025, Bộ cũng đang nghiên cứu và trình các cơ quan có thẩm quyền các báo cáo tiền khả thi 06 dự án quan trọng quốc gia;phê duyệt chủ trương đầu tư 3/10 dự án, trình Thủ tướng Chính phủ 3/10 dự án nhóm A; phê duyệt chủ trương đầu tư 34/51 dự án, hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư 12/51 dự án nhóm B, nhóm C.
Cũng theo Chánh Văn phòng Nguyễn Trí Đức, dự kiến tháng 10/2021, Bộ giải ngân được 2.204 tỷ đồng; lũy kế 10 tháng giải ngân được 29.114 tỷ đồng, đạt 67,1% kế hoạch. Từ đầu năm đến nay, Bộ đã phê duyệt, quyết toán 43 dự án, hạng mục công trình, giá trị 14.987 tỷ đồng. Riêng trong tháng 10, Bộ đã phê duyệt 07 dự án, hạng mục công trình với giá trị là 1.683 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Trí Đức, từ nay đến cuối năm, các cơ quan của Bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đảm bảo hoạt động vận tải thông suốt, kịp thời trong tình hình mới; xây dựng kế hoạch vận tải phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2022; Tập trung hoàn thành việc đăng ký, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án vào chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của Bộ GTVT trong năm 2022; Giải quyết, hoàn thành việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ nhất; Trả lời chất vấn của ĐBQH, giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV. Tập trung, quyết liệt đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn đầu tư công, nhất là các dự án ODA, bảo đảm chất lượng, tiến độ theo đúng chỉ đạo của TTgCP tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021; Khắc phục khó khăn, vướng mắc đế đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, các dự án có kế hoạch hoàn thành trong năm 2021.
Tổng cục ĐBVN, các Cục quản lý chuyên ngành phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị sẵn vật tư dự phòng, chủ động xây dựng kịch bản, tăng cường công tác ứng trực đế xử lý, khắc phục ngay hư hỏng về kết cấu hạ tầng do bão lũ gây ra, đảm bảo kịp thời cho người và phương tiện tham gia giao thông an toàn. 
Sau khi nghe lãnh đạo các Vụ Tổng cục, Cục, Tổng công ty báo cáo công tác tại đơn vị, Bộ trưởng Nguyễn văn Thể cho rằng tháng 10 là tháng nhiều khó khăn đối với Bộ, nhưng về cơ bản Bộ vẫn hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao cho. Tuy nhiên, bên cạnh những nhiệm vụ hoàn thành, vẫn còn một số hạn chế như công tác giải ngân vốn đầu tư công còn yếu, công tác mở lại các hoạt động vận tải hành khách còn lúng túng, công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án, công tác xây dựng Chính phủ điện tử còn chậm. Do vậy Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo các đơn vị nhìn thẳng vào những hạn chế để khắc phục làm sao cho công tác năm 2022 được hoàn chỉnh hơn.
Khẳng định pháp chế là vấn đề đột phá do đó Vụ Pháp chế và các bộ phận pháp chế của các Tổng cục, Cục phải đẩy mạnh công tác xây dựng thể chế, sớm hoàn thành và trình các Thông tư, đề án sát với thực tế phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước của Bộ.
Bên cạnh đó, Văn phòng Bộ rà soát, đôn đốc việc thực hiện các chỉ đạo, nhiệm vụ của Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ giao cho Bộ, lãnh đạo Bộ giao các đơn vị.
Cục Y tế cần tiếp tục tham mưu sâu cho lãnh đạo Bộ về công tác phòng chống dịch Covid-19 trong lĩnh vực GTVT.
Vụ Vận tải phối hợp chặt chẽ với các đơn vị từng bước mở lại vận tải khách đảm bảo nhu cầu vận tải khách cũng như công tác phòng chống dịch,  đặc biệt là trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2022.
Các đơn vị rà soát, đẩy mạnh công tác xây dựng Chính phủ điện tử, xây dựng CSDL phục vụ công tác quản lý.
Tổng cục ĐBVN theo dõi, chỉ đạo sát sao để khôi phục mạnh mẽ hơn hoạt động vận tải đường bộ, làm tốt hơn nữa hoạt động duy tu sửa chữa đường bộ, trong đó ưu tiên sữa chữa kịp thời các tuyến quốc lộ trọng yếu. Bên cạnh đó, Tổng cục cần khẩn trương thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về hoạt động thu phí điện tử không dừng.
Cục Hàng không Việt Nam sớm sử dụng phần mềm PC-Covid19 để hành khách khai báo y tế và phục vụ công tác kiểm soát dịch cũng như tập trung hoàn thiện sớm đưa vào vào hoạt động các đường băng mới được sửa chữa tại hai sân bay Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất.
Cục Đường sắt Việt Nam nghiên cứu phối hợp với Tổng công ty ĐSVN sử dụng phần mềm PC-Covid19 để khai báo y tế và kiểm soát dịch đối với hành khách đi tàu. Bên cạnh đó cần sớm xem xét kế hoạch duy tu đường sắt năm 2022.
Cục QLXD tăng cường kiểm tra giá sát chất lượng, tiến độ các dự án. Các Ban QLDA tập trung thực hiện tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công. "Đối với các dự án cấp bách nhất thiết phải kết thúc trong năm nay. Những dự án trong điểm quốc gia dứt khoát không được để chậm. Trong quá trình chuẩn bị đầu tư có vướng mắc gì, các đồng chí cần báo cáo ngay cho Vụ KHĐT, cho các Thứ trưởng phụ trách." Bộ trưởng khẳng định. 
 
Ban TGNC (Nguồn Cổng TTĐT Bộ GTVT)