Công đoàn Việt Nam đã và đang chi khoảng 5.500 tỉ đồng hỗ trợ người lao động

Ngày đăng: 08:20:51 - 18/ 10 /2021


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị.
 
Chiều 16.10, diễn ra Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐVN. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.  
Tham dự Hội nghị về phía Chính phủ có Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể; đại diện Ban Dân vận Trung ương, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện các bộ, ngành: Xây dựng, Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam...
Về phía Tổng LĐLĐVN có ông Nguyễn Đình Khang - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN; Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải; các Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN: Trần Văn Thuật, Phan Văn Anh, Ngọ Duy Hiểu; các Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN; lãnh đạo các ban thuộc Tổng LĐLĐVN, Công đoàn ngành Trung ương…
 
Đại biểu của Công đoàn GTVT Việt Nam tham dự Hội nghị và phát biểu tham luận có đồng chí Đỗ Nga Việt, UVBCS đảng Bộ GTVT, UVBCH Tổng LĐLĐ VN, Chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam.
 
Đại biểu tham dự Hội nghị
 
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, hội nghị được tổ chức nhằm sơ kết quy chế phối hợp giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐVN trong thời gian qua, để nhìn nhận, phát hiện những vấn đề hai bên đã làm tốt, những vấn đề chưa tốt - từ đó rút kinh nghiệm, tìm ra nguyên nhân để khắc phục kịp thời.
“Hội nghị cũng là dịp để Chính phủ và Tổng LĐLĐVN định hướng công việc trong thời gian tới để thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn trong công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động - qua đó để họ phát huy cống hiến nhiều hơn nữa trong giai đoạn khó khăn này” - Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay.
Công đoàn đồng hành với Chính phủ, doanh nghiệp chống dịch COVID-19, chăm lo người lao động 
Thay mặt đoàn viên, người lao động cả nước, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang đã trân trọng cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã dành cho công nhân, lao động cả nước sự quan tâm sâu sắc, kịp thời trong suốt quá trình phòng, chống dịch bệnh vừa qua.  
 

Ông Nguyễn Đình Khang - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN -phát biểu tại hội nghị 

Thay mặt Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, ông Nguyễn Đình Khang - Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - đã trình bày báo cáo kết quả phối hợp công tác giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐVN 9 tháng đầu năm 2021 và đề xuất trọng tâm phối hợp năm 2022. 
Theo đó, trong 9 tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các Nghị quyết của Quốc hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ theo tinh thần Thông báo kết luận 01/TB-VPCP ngày 1.1.2021 vừa tích cực phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.  
Trong đó, Công đoàn đồng hành với Chính phủ và doanh nghiệp trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; chăm lo, hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh.
“Cùng chung sức phòng, chống dịch, tổ chức Công đoàn đã tích cực hưởng ứng, phối hợp, đồng hành cùng Chính phủ và cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm chuyển tải, lan tỏa những chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đến với công nhân, lao động; kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch; hỗ trợ, tăng cường dinh dưỡng cho đội ngũ cán bộ y tế làm nhiệm vụ phòng, chống dịch, công nhân, lao động tại các doanh nghiệp đang thực hiện ba tại chỗ, một cung đường hai điểm đến; vận động đoàn viên, người lao động đóng góp, ủng hộ Quỹ vaccine phòng chống COVID-19, công tác phòng, chống dịch thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng thời phối hợp giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Đến thời điểm hiện nay, tổng số tiền các cấp Công đoàn đã và đang triển khai hỗ trợ người lao động tới nay khoảng 5.500 tỉ đồng” - ông Nguyễn Đình Khang cho hay. 
Đội ngũ cán bộ Công đoàn các cấp cùng cán bộ chính quyền, đoàn thể tại cơ sở “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng trường hợp”, tổ chức kịp thời các hoạt động an sinh, đảm bảo duy trì ổn định, đời sống của người dân, người lao động gặp khó khăn. Nhiều mô hình sáng tạo trong công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ đoàn viên, người lao động của tổ chức Công đoàn ra đời, phát huy hiệu quả được chính quyền, người lao động, người sử dụng lao động đánh giá cao. 
Công đoàn đã tích cực, chủ động phối hợp triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ; tham gia giám sát quá trình thực hiện các gói hỗ trợ này, đảm bảo minh bạch, đúng đối tượng. Tính đến ngày 3.10, có trên 19 triệu lượt đối tượng (trong đó gồm 379.610 lượt đơn vị sử dụng lao động, gần 18,68 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác) đã được hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định 23/QĐ-TTg với tổng số tiền là gần 15,8 nghìn tỉ đồng. 
Công tác phối hợp, chăm lo cho người lao động đạt nhiều kết quả tích cực đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán. Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành tích cực tham dự các hoạt động của tổ chức Công đoàn trong dịp Tết, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ thúc đẩy các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, lãnh đạo doanh nghiệp chăm lo cho người lao động, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội đối với người lao động. 
Trong chương trình “Tết không xa nhà” đặc biệt chiều 30 Tết do Tổng LĐLĐVN phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp gửi thông điệp Tết đến đoàn viên, người lao động đón Tết xa quê, qua đó tiếp thêm động lực, động viên, khích lệ công nhân, lao động an tâm vui Xuân, đón Tết. 
Các cấp Công đoàn đã kịp thời điều chỉnh, linh hoạt trong tổ chức các hoạt động để vừa chăm lo Tết, vừa đảm bảo an toàn cho người lao động trong bối cảnh dịch bệnh. Kết quả, có trên 4,9 triệu đoàn viên, người lao động được thụ hưởng các hoạt động chăm lo Tết (tăng gần 1 triệu người so với năm 2020), với tổng nguồn kinh phí hỗ trợ, tổ chức các hoạt động chăm lo khoảng 6.636 tỉ đồng (tăng gần 28% so với năm 2020) từ nguồn tài chính Công đoàn và nguồn xã hội hóa; có trên 290 nghìn đoàn viên và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 được hỗ trợ theo chủ trương của Tổng LĐLĐVN  với tổng số tiền gần 140 tỉ đồng. 
Các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cũng đã tích cực phối hợp với Tổng LĐLĐVN trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, đặc biệt là các chính sách có liên quan đến người lao động; phối hợp tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 14.6.2021 về đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động, đóng góp nhiều ý kiến có giá trị hoàn thiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động do Chính phủ ban hành thời gian qua. Tổng LĐLĐVN đã thực hiện tốt nhiệm vụ phản biện xã hội, tổ chức góp ý nhiều dự thảo luật và văn bản dưới luật do các cơ quan chủ trì soạn thảo gửi đến. 
Đảng đoàn Tổng LĐLĐVN đã tham mưu trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12.6.2021 về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, là những định hướng quan trọng phát triển tổ chức và hoạt động Công đoàn.  
Ngoài ra, Tổng LĐLĐVN còn phối hợp nghiên cứu, tuyên truyền, học tập và triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; phối hợp tổ chức các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động và phong trào thi đua do Tổng LĐLĐVN khởi xướng.
Tại Thông báo kết luận số 01/TB-VPCP ngày 1.1.2021 của văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp xử lý 6 nội dung với 9 kiến nghị của Tổng LĐLĐVN. 
Kết quả đến nay, các bên đã phối hợp thực hiện được 6/9 kiến nghị; đang tiếp tục phối hợp thực hiện 3/9 (1 kiến nghị về phối hợp triển khai thực hiện Đề án đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; 1 kiến nghị về đề nghị có quy định cụ thể nhà công vụ giáo viên có công trình vệ sinh, nước hợp vệ sinh khi phê duyệt Kế hoạch Đề án, Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học; 1 kiến nghị về tập hợp nội dung vướng mắc cụ thể tại các Nghị định hiện hành liên quan đến bảo vệ ngư dân, đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá)…
Phối hợp tổ chức các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động
Về trọng tâm phối hợp công tác năm 2022, Tổng LĐLĐVN đề xuất phối hợp triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các nội dung có liên quan theo Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12.6.2021 của Bộ Chính trị “Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”; Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 14.6.2021 của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động.
Phối hợp chặt chẽ trong công tác xây dựng chính sách, pháp luật, nhất là các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến đoàn viên, người lao động và tổ chức Công đoàn, các chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp liên quan đến dịch bệnh COVID-19. 
Phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền để đoàn viên, người lao động hiểu, nắm rõ các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chỉ đạo, giải pháp của Chính phủ, các cấp công đoàn và ngành, địa phương nhất là Kết luận số 07-KL/TW của Bộ Chính trị về một số nhiệm trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết của Quốc hội khoá XV, các Nghị quyết, Chỉ thị, Công điện... của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch. 
 

Quang cảnh hội nghị. 

Phối hợp thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung đông công nhân lao động; triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, các giải pháp bảo đảm lao động, sẵn sàng đưa người lao động trở lại làm việc để khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định việc làm, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. 
Phối hợp tổ chức các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động và phong trào thi đua do Tổng LĐLĐVN khởi xướng, trong đó ưu tiên thực hiện đợt thi đua cao điểm “Vượt thách thức, đón thời cơ - thúc đẩy năng suất lao động và hiệu quả công tác”, phong trào “Công nhân, viên chức, lao động nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19”. Tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện Chương trình “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”.
Phối hợp đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”. Phối hợp thúc đẩy chương trình nhà ở cho người lao động. 
Phối hợp huy động mọi nguồn lực, quan tâm, chăm lo cho đoàn viên, người lao động, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, Tháng Công nhân - Tháng An toàn vệ sinh lao động năm 2022.
Phối hợp, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật lao động, chính sách đối với người lao động; việc triển khai thực hiện chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người dân, CNVCLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; về bảo hiểm xã hội; an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng bữa ăn ca, an toàn vệ sinh lao động; đẩy mạnh việc thực hiện dân chủ tại cơ sở...
Ban TGNC (Nguồn Báo Lao động)