Tôn vinh người thợ Giao Thông vận tải tài hoa

Ngày đăng: 07:04:06 - 25/ 05 /2016

Sáng nay (25/5) tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Công đoàn GTVT VN tổ chức Hội nghị Biểu dương CNLĐ xuất sắc, tiêu biểu ngành GTVT năm 2015. 180 cá nhân sẽ được tôn vinh trong dịp này. Trước khi tham dự hội nghị chính thức, các đại biểu CNLĐ xuất sắc tiêu biểu vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tham dự hội nghị, sau khi tổng kết công tác thi đua khen thưởng, biểu dương các CNLĐ xuất sắc năm 2015, các đại biểu giao lưu, tọa đàm với một số CNLĐ tiêu biểu. Với tình yêu ngành, say nghề, những kỹ sư, người thợ đang miệt mài ngày đêm lao động tận hiến trên từng công trình, sản phẩm, góp phần vào sự nghiệp phát triển ngành GTVT đi trước mở đường.


Từ bàn tay người thợ giàu kinh nghiệm…
180 cá nhân điển hình được tôn vinh tại Hội nghị Biểu dương CNLĐ xuất sắc, tiêu biểu ngành GTVT năm 2015 tổ chức ngày hôm nay (25/5) tại Hà Nội, đều là những người thợ, người trực tiếp lao động đầy tài hoa, giàu kinh nghiệm và đam mê, nhiệt huyết ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau.
Đó là anh Nguyễn Hồng Điệp, Tổ trưởng Tổ Lắp 1- Phân xưởng Vỏ 4 - Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm. Là thợ lắp ráp bậc 7/7, đã hơn 30 năm trong nghề, anh Điệp không còn nhớ đã làm bao nhiêu con tàu vươn khơi. Mỗi con tàu hạ thủy, vận hành an toàn là anh “thấy sung sướng, hạnh phúc rồi”.

 


Anh Nguyễn Hồng Điệp, Tổ trưởng Tổ Lắp 1, Phân xưởng Vỏ 4, Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm,
là một trong 180 cá nhân xuất sắc được Công đoàn GTVT VN tôn vinh
- Ảnh: Thanh Thúy
 
Trong mớ âm thanh hỗn độn bởi tiếng búa chát chúa, tiếng hàn xì, tiếng máy móc trong xưởng đóng tàu, anh Điệp chia sẻ: “Là bộ phận làm thương phẩm, lắp ráp phụ tùng cuối cùng, công việc đòi hỏi anh em phải có tay nghề cao và cả sự khéo léo, tỉ mỉ với mục tiêu an toàn là số một”.
Khi con tàu đã nên dáng, nên hình thì lớn như sàn tàu, nhỏ như cái bu lông, ốc vít, anh em đều phải kiểm tra, lắp ráp hoàn thiện. Trong khi đó, tổ anh chỉ có 8 người, ngoài anh ra còn lại toàn là thanh niên, chưa đến 30. “Phải hướng dẫn, kèm cặp vì các cháu chưa có nhiều kinh nghiệm để đảm bảo tiến độ, chất lượng sản phẩm”, anh Điệp cho biết.
Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm Hoàng Văn Miền cho biết thêm: “Anh Điệp là một trong những tổ trưởng giỏi nghề nhất trong công ty và là tấm gương lớn để đội ngũ cán bộ, kỹ sư trẻ học tập. Ngoài ra, với vai trò là Ủy viên BCH Công đoàn phân xưởng, anh luôn chăm lo đến người lao động, tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của đơn vị”.
Một người thợ tài hoa khác đang là Trưởng kho công cụ Công ty TNHH MTV Cảng Hoàng Diệu (Công ty CP Cảng Hải Phòng) Nguyễn Xuân Khang. Với nhiệm vụ chế tạo, sửa chữa và cấp phát các loại công cụ khai thác hàng hóa trên 11 cầu tàu, kho bãi Cảng Hoàng Diệu và cả khu vực chuyển tải Hạ Long, anh Khang chia sẻ: “Để cung cấp kịp thời dụng cụ bốc xếp hàng hóa ở các cầu tàu theo kế hoạch, nhiều khi phải làm cả đêm và ngày nghỉ”. Áp lực thế, nên bản thân anh cũng xắn tay làm trực tiếp, rồi mày mò, nghĩ sáng kiến hợp lý hóa sản xuất, để anh em đỡ vất vả, đồng thời cũng giảm được chi phí.
Năm 2015, anh đã có nhiều sáng kiến như: Giải pháp đảo chiều các tay gầu ngoạm bị cong; Sáng kiến sửa chữa hệ thống điều khiển ngoạm thủy lực, điều khiển từ xa tại Cảng Hoàng Diệu… Các sáng kiến này tạo hiệu quả lớn, rút ngắn công đoạn bốc dỡ hàng hóa với giá trị làm lợi lên đến hơn 100 triệu đồng.

Đến những kỹ sư trẻ đam mê, nhiệt huyết
Cùng với lớp thợ giàu kinh nghiệm là lớp những người thợ, kỹ sư trẻ dù còn “non” kinh nghiệm nhưng lại đam mê sáng tạo, chịu khó học hỏi, cập nhật và ứng dụng những tiến bộ khoa học kĩ thuật, công nghệ, đem lại hiệu quả cao trong công việc.
Như kỹ sư máy bay Hà Tuấn Anh, công tác tại Trung tâm Bảo dưỡng thiết bị Hà Nội, Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay. Mới 10 năm trong nghề, từ thực tiễn sản xuất, Tuấn Anh nảy ra nhiều ý tưởng, sáng chế phát huy hiệu quả cao trong công tác bảo dưỡng thiết bị máy bay. Trong đó, nổi bật là thiết bị kiểm tra dung lượng - nạp - xả ắc quy khẩn cấp trên máy bay Airbus A320/A321 đã được các nhà chức trách hàng không Việt Nam, Cục Hàng không Mỹ chứng nhận tiêu chuẩn để sản xuất, sử dụng trong thực tế. Sáng chế này được Tổng liên đoàn Lao động VN ghi nhận, vinh danh “Tự hào trí tuệ lao động Việt Nam”.
Tuấn Anh cho biết, với máy bay Airbus A321, hệ thống ắc quy khẩn cấp rất quan trọng. Theo quy định sử dụng của nhà sản xuất phải thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ. Nhưng để kiểm tra, sửa chữa phải gửi ắc quy này ra nước ngoài, rất mất thời gian và tốn kém. Chưa kể phải có số lượng ắc quy dự phòng lớn để đảm bảo luôn có thiết bị phục vụ trên máy bay. “Thiết bị này được sử dụng hiệu quả, rút ngắn thời gian, giảm chi phí bảo dưỡng, chi phí dự phòng. Quan trọng hơn, việc này bớt phải phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài và tăng năng suất lao động trong công tác bảo dưỡng máy bay”, Tuấn Anh nói.
Chia sẻ về Tuấn Anh, ông Trần Tuấn Hiệp, Phó giám đốc Trung tâm Bảo dưỡng thiết bị Hà Nội cho biết, các sáng kiến của Tuấn Anh đem lại giá trị kinh tế cao và khó đong đếm được bằng tiền. Với các sáng kiến này, Tuấn Anh đã được Cục Hàng không Việt Nam tặng nhiều bằng khen, giấy khen, danh hiệu thi đua.
Còn với chàng kỹ sư cầu đường Nguyễn Lê Bách, “chân ướt, chân ráo” ra trường đầu quân cho CIENCO 4 vào năm 2012, không thể ngờ chỉ 4 năm sau đã được đề bạt làm Phó giám đốc Ban Điều hành Gói thầu số 4 - Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Từ nhà trường đến một anh cán bộ kỹ thuật “bàn giấy” rồi ra đến công trường làm cán bộ điều hành, Bách tâm sự: “Khác xa nhau lắm”.
Ham tìm hiểu công nghệ, mong muốn phổ biến kinh nghiệm thi công theo công nghệ mới, sau những giờ miệt mài trên công trường, Bách lại cùng các đồng nghiệp tại Phòng Kỹ thuật - Công nghệ hay Ban Điều hành dự án dành chút thời gian ít ỏi, tranh thủ đúc kết và xây dựng thành đề tài tổng kết để tiếp tục nghiên cứu và là tài liệu kinh nghiệm cho các dự án khác. Những đề tài như Thi công nhịp dẫn cầu Kỳ Lam bằng hệ ván khuôn, đà giao định hình kết hợp giá long môn; Lựa chọn hệ thống chống đỡ cho hầm theo phương pháp NATM đã được tổng công ty ghi nhận, khen thưởng.
Với cầu Kỳ Lam, theo thiết kế ban đầu sẽ phải làm theo phương pháp thông thường đổ bê tông từng trụ một. Tuy nhiên, Bách đã cùng các kỹ sư Phòng Kỹ thuật quyết định thi công theo phương pháp làm sẵn đà giáo, ván khuôn… tại xưởng, sau đó tiến hành đổ bê tông các trụ cầu, vừa rút ngắn được tiến độ vừa đảm bảo thẩm mỹ. Phương pháp thi công này lần đầu tiên được nhà thầu trong nước áp dụng, giúp rút ngắn tiến độ thi công nhịp dẫn của cầu Kỳ Lam 7 tháng.
Nói về Bách, ông Ngô Trọng Nghĩa, Phó tổng giám đốc CIENCO 4 đánh giá, sáng kiến của kỹ sư Bách được áp dụng thi công tại cầu Kỳ Lam đem lại lợi ích rất lớn cho tổng công ty. “Với việc thay đổi biện pháp thi công theo sáng kiến của kỹ sư Bách đã tiết kiệm được 4,5 tỷ đồng và rút ngắn thời gian thi công 35 ngày cho phần cầu dẫn của dự án do CIENCO 4 đảm nhiệm thi công”, ông Nghĩa nói.

 


Nữ PV Báo Giao thông Vũ Thị Hoài Thu (1 trong 180 CNLĐ xuất sắc được tôn vinh),
đang tác nghiệp bên hành lang Quốc hội