Công đoàn GTVT tham gia chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ công nhân, lao động kỹ thuật cao năm 2019

Ngày đăng: 04:55:00 - 15/ 07 /2019

Sáng 5.5, tại TPHCM, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi gặp mặt với gần 1.000 công nhân, lao động, trong đó có 90 công nhân, lao động kỹ thuật cao ở 7 tỉnh, thành phố và nhiều công đoàn ngành trong cả nước. Đây là một hoạt động trong khuôn khổ Tháng Công nhân năm 2019, hướng đến kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28.7.1929 – 28.7.2019), do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức.


Tham dự với Thủ tướng có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; đồng chí Vũ Đức Đam - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, cùng lãnh đạo nhiều cơ quan Đảng, Nhà nước, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương. Về phía Tổng LĐLĐ Việt Nam có đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; đồng chí Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam và nhiều lãnh đạo các Công đoàn ngành, LĐLĐ các tỉnh, thành phố.
 

Thủ tướng gặp và trao quà lưu niệm cho công nhân, lao động kỹ thuật cao năm 2019
 
 
Cùng tham dự buổi gặp mặt Công đoàn GTVT Việt Nam có đồng chí Đỗ Nga Việt, Ủy viên BCH TLĐ, Ủy viên Ban cán sự Đảng Bộ GTVT, Chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam, đồng chí Đ/c Dương Thế Nam, Chủ tịch Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam, 02 đồng chí công nhân lao động tham gia và được nhận Bằng khen của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là đồng chí Nguyễn Văn Thọ, Phó trưởng phòng Phòng Hoa tiêu, Hoa tiêu hàng hải Ngoại hạng, thuộc Công ty Hoa tiêu hàng hải khu vực I, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam, Nguyễn Minh Hồng - Đài trưởng Đài Kiểm soát không lưu Pleiku Công ty Quản lý bay miền Trung, Tổng công ty quản lý bay Việt Nam.
 


Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường thay mặt công nhân lao động gửi kiến nghị đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
 
Đây là diễn đàn để Đảng, Nhà nước và người đứng đầu Chính phủ lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất chính sách của công nhân, lao động kỹ thuật cao với sự phát triển của đất nước, địa phương, ngành và doanh nghiệp; cũng là dịp để đoàn viên, công nhân, lao động được đón nhận thông điệp của Đảng và Chính phủ gửi tới người lao động cả nước nhân Ngày Quốc tế Lao động 1.5, Tháng Công nhân năm 2019 và kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam.
Tại diễn đàn lần này, lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ công nhân, lao động kỹ thuật cao – những người đang làm chủ công nghệ, làm chủ máy móc, điều hành dây chuyền sản xuất công nghệ cao thay thế chuyên gia nước ngoài; tích cực, sáng tạo trong học tập, tiếp thu kinh nghiệm tiên tiến, của thế giới để sản xuất thiết bị máy móc hiện đại.
Diễn đàn đặc biệt có ý nghĩa khi Đảng, Nhà nước, Chính phủ đang có những nỗ lực cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có kỹ thuật cao để đáp ứng yêu cầu phát triển mới cũng như không để tụt lại phía sau con tàu Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên toàn thế giới.
Đây là năm thứ 4, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức diễn đàn người đứng đầu Chính phủ lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất chính sách của công nhân, lao động với sự phát triển của doanh nghiệp, địa phương, ngành và đất nước.
Với chủ đề “Công nhân kỹ thuật cao là một trong những động lực phát triển đất nước” - Thủ tướng Chính phủ và các ban, bộ, ngành, địa phương cùng 1.000 công nhân, lao động, trong đó có 90 công nhân, lao động kỹ thuật cao trao đổi 5 nhóm vấn đề chính được đề cập trực tiếp tại diễn đàn và ý kiến của đoàn viên công đoàn, NLĐ cả nước gửi qua Báo Lao Động và được tập hợp trong bản kiến nghị của Tổng LĐLĐ Việt Nam gửi Chính phủ.
Đó là những chính sách của doanh nghiệp đối với lực lượng công nhân kỹ thuật cao; chính sách của địa phương trong việc phát triển nguồn nhân lực có kỹ thuật cao; đề xuất của công nhân, lao động có kỹ thuật cao đối với Chính phủ trong việc ban hành những chính sách để tạo động lực phát triển bản thân; làm gì để những lao động bình thường trở thành công nhân kỹ thuật cao; tâm tư nguyện vọng của chính những công nhân, lao động kỹ thuật cao để có thể đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của doanh nghiệp, của địa phương và đất nước.

 


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại  buổi gặp gỡ công nhân, lao động kỹ thuật cao năm 2019
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu: Tháng 5 là Tháng Công nhân, đất nước có nhiều ngày kỷ niệm lớn, cuộc gặp gỡ công nhân lao động bậc cao, có trình độ cao này rất quan trọng. Đây là dịp để Chính phủ, các cơ quan, địa phương lắng nghe ý kiến của công nhân lao động bậc cao.
Tôi mong muốn anh chị em công nhân được mời tham dự chương trình hôm nay mạnh dạn phát biểu ý kiến trên tinh thần dân chủ, thẳng thắn để chúng tôi nghe được tiếng nói từ những người trực tiếp có tay nghề cao, để từ đó, chúng ta có được chính sách chung để hỗ trợ anh chị em công nhân kỹ thuật cao.
Một vấn đề rất lớn mà đất nước xã hội quan tâm, đó là chúng ta phát triển đất nước rất cần đội ngũ lao động có kỹ thuật, có trình độ. Thế nhưng về điều kiện sống, môi trường làm việc, anh chị em có tâm tư bức xúc ra sao?... 
Những điều này rất cần được anh chị em bày tỏ để Thủ tướng, Bí thư các tỉnh thành, lãnh đạo cơ quan, ban ngành địa phương, doanh nghiệp... cùng lắng nghe các hiến kế, đề xuất để chúng ta xây dựng được đội ngũ công nhân lao động kỹ thuật cao.
Một năm gặp 1 lần, 4 năm rồi, hàng năm, tôi đều có các cuộc gặp gỡ, lắng nghe anh chị em công nhân. Qua các cuộc gặp gỡ, có nhiều kiến nghị được giải quyết, ví dụ như các thiết chế công đoàn đã và đang phục vụ công nhân. Riêng đối với công nhân bậc cao thì cần có chính sách tốt hơn để đội ngũ này ngày càng lớn mạnh. 
Trên tinh thần đó, tôi muốn nghe ý kiến các bạn, dành thời gian cho các bạn nhiều hơn, các ban ngành bộ trưởng sẽ trả lời các bạn trước khi Thủ tướng phát biểu.
Ngoài 43 vấn đề mà người đứng đầu tổ chức Công đoàn vừa trao gửi, ngày hôm nay, những tiếng nói từ trái tim khối óc của các bạn là rất quan trọng để những người làm chính sách lắng nghe, bởi đó chính là ý kiến của những người cọ sát từ thực tế.
Tôi rất trân trọng tình cảm của anh chị em công nhân dành cho tôi. Tôi sẵn sàng lắng nghe.

7 nhóm vấn đề, đề xuất kiến nghị gửi đến Thủ tướng
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường đã gửi tới Thủ tướng Chính phủ bản đề xuất kiến nghị gồm 43 nội dung, với 7 nhóm vấn đề:
1. Kiến nghị về thuế thu nhập cá nhân đối với thợ mỏ ngành than, thuyền viên ngành hàng hải và công nhân, lao động kỹ thuật cao ngành dầu khí.
2. Kiến nghị về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của thuyền viên ngành hàng hải, công nhân mỏ ngành than. 
3. Kiến nghị về chế độ lương các ngành hàng hải, hàng không, ngành thép, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội.
4. Kiến nghị về điều kiện làm việc của công nhân mỏ, các y, bác sĩ, công nhân ngành thép, ngành hàng không.
5. Kiến nghị về nâng cao chất lượng cuộc sống công nhân, lao động kỹ thuật cao.
6. Kiến nghị về chính sách đào tạo công nhân, lao động kỹ thuật cao.
7. Kiến nghị về chính sách phát triển đội ngũ công nhân, lao động kỹ thuật cao.

 


Đ/c  Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam
 
Phát biểu khai mạc buổi gặp mặt, đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhấn mạnh: Bốn năm trước, cũng tại mảnh đất phía Nam thân thương của Tổ quốc, 5.000 công nhân, lao động đã được gặp Thủ tướng khi đồng chí bắt đầu nhiệm kỳ mới của mình. Kể từ đó, với thông điệp “Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp”, Thủ tướng đã 4 lần gặp gỡ, đối thoại và kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật với công nhân, lao động. 
Nhiều tâm tư, nguyện vọng chính đáng của công nhân, lao động được Thủ tướng chia sẻ và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai, thực hiện.
Hiện thực hóa quyết tâm chính trị và lời hứa với công nhân, hằng năm Chính phủ thực hiện điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng chi trả của doanh nghiệp để đến năm 2020, mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình. 
Đặc biệt, mới đây, Thủ tướng phê duyệt kế hoạch thực hiện Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong đó nổi bật các yêu cầu, mục tiêu nhằm triển khai biện pháp cải thiện, nâng cao năng suất lao động tại doanh nghiệp và các ngành sản xuất; chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng và ban hành đồng bộ các chính sách xã hội, bao gồm chính sách hỗ trợ về tài chính, dạy nghề để chuyển đổi nghề nghiệp; cung cấp các dịch vụ tư vấn việc làm... để giúp người lao động bị mất việc làm do các doanh nghiệp không đứng vững được trong quá trình cạnh tranh.
Đồng hành với Chính phủ, tổ chức Công đoàn đã có những bước tiến quan trọng, đột phá. Đại hội XII Công đoàn Việt Nam thành công tốt đẹp, mở đầu cho giai đoạn phát triển mới của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Đại hội xác định 3 khâu đột phá, 9 nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2018 - 2023 để đại diện, chăm lo, bảo vệ đoàn viên, người lao động và xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam vững mạnh. Thủ tướng Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Đại hội chủ trì thảo luận với đại biểu dự Đại hội về chủ đề “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển bền vững đất nước”.
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường cũng đã nêu bật một số thành tích mà tổ chức Công đoàn Việt Nam đã thực hiện để đại diện, bảo vệ, chăm lo đời sống của công nhân, lao động như: Đang tích cực đẩy nhanh tiến độ để dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam sẽ bàn giao 500 căn hộ đầu tiên cho đoàn viên là công nhân, lao động và đang tiến hành các thủ tục xây dựng 35 thiết chế Công đoàn tại 35 khu công nghiệp trong cả nước.



Toàn cảnh hội nghị Thủ tướng gặp gỡ công nhân, lao động kỹ thuật cao
 
Chương trình “Phúc lợi đoàn viên Công đoàn” có 1,9 triệu đoàn viên được hưởng lợi gần 750 tỉ đồng, tăng gần 40% so với năm trước. Công đoàn đại diện khởi kiện tại Tòa án 2.510 vụ; tư vấn pháp luật cho 245.883 lượt đoàn viên, NLĐ, giúp cho hàng chục nghìn đoàn viên, NLĐ được chi trả trợ cấp thôi việc, nâng lương, quay lại làm việc, đóng BHXH… 
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường nhấn mạnh: Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phương thức sản xuất có nhiều đổi mới, nhưng bản chất vẫn là sản xuất công nghiệp, gắn với công nhân và công nghệ. Anh chị em công nhân lao động cần nhìn nhận đây là cơ hội hơn là thách thức nếu mình có nhận thức đúng và bước đi phù hợp. Từ đó xác định, mỗi người công nhân, lao động trong kỷ nguyên số cần phải làm chủ công nghệ và có kỹ năng mà máy móc không thể có.
Đảng, Nhà nước, Chính phủ đang có những nỗ lực cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có kỹ thuật cao để đáp ứng yêu cầu phát triển mới cũng như không để tụt lại phía sau con tàu cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên toàn thế giới. Trong bối cảnh đó thì cuộc gặp gỡ lần này với Thủ tướng một lần nữa khẳng định sự quan tâm của Đảng, Chính phủ đến công nhân, lao động; khẳng định Công đoàn Việt Nam, NLĐ đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước; công đoàn làm gì để đồng hành thực hiện thúc đẩy phát triển đội ngũ công nhân, lao động kỹ thuật cao cả về số lượng, chất lượng? Công đoàn phải thực hiện tốt 4 nhiệm vụ sau: Một là, công đoàn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho người lao động và cả người sử dụng lao động về vị trí, vai trò của công nhân, lao động kỹ thuật cao trong nâng cao năng suất lao động. 
Hai là, công đoàn tham gia vào quá trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công nhân có trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp ngày càng cao, có khả năng tiếp thu nhanh và làm chủ công nghệ mới, nâng cao năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Nâng cao chất lượng các cơ sở dạy nghề của công đoàn theo hướng gắn kết với doanh nghiệp, đào tạo theo đơn đặt hàng đào tạo theo nhu cầu sử dụng, đào tạo tại chỗ, đào tạo theo yêu cầu của xã hội. Tiến hành sắp xếp các cơ sở dạy nghệ hoạt động không hiệu quả để tập trung xây dựng một số cơ sở dạy nghề chất lượng cao của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong giai đoạn mới.
Ba là, tham gia xây dựng chính sách phát triển đội ngũ công nhân kỹ thuật cao; tập hợp lực lượng, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của công nhân, lao động với Đảng, Nhà nước để phát triển đội ngũ công nhân, lao động kỹ thuật cao về số lượng và chất lượng.
Bốn là, đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động; phối hợp, đề xuất với cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện tốt chính sách nâng cao chất lượng, cải thiện đời sống của công nhân, lao động nói chung và công nhân, lao động kỹ thuật cao nói riêng, nhất là vấn đề về nhà ở, các phúc lợi xã hội khác. 
Thay mặt Tổng LĐLĐ Việt Nam, đồng chí Bùi Văn Cường đã gửi tới Thủ tướng Chính phủ các ý kiến hiến kế, đề xuất, kiến nghị của đội ngũ công nhân, lao động kỹ thuật cao với Đảng và Chính phủ mà Tổng LĐLĐ Việt Nam đã lấy ý kiến đội ngũ công nhân, lao động kỹ thuật cao của cả nước và tổng hợp lại.

 


Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể  Phát biểu tại hội nghị
 
Tham dự hội nghị Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cũng thống nhất ý kiến rằng đối với lao động kỹ thuật cao, đặc thù như phi công, cần có những quy định đặc thù trong Bộ luật Lao động, các nghị định của Chính phủ để đảm bảo nguồn nhân lực. Bộ trưởng Bộ GTVT cũng đề nghị Chính phủ, các ngành cần tạo cơ chế thuận lợi để đơn vị đặc thù Ngành GTVT được đào tạo, phát triển nguồn nhân lực để thu hút phát triển tăng cường cạnh tranh với các cảng trong khu vực.
 
 
Đ/c Đỗ Nga Việt, Ủy viên BCH TLĐ, Ủy viên Ban cán sự Đảng Bộ GTVT, Chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam, đồng chí Đ/c Dương Thế Nam, Chủ tịch Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam, Đ/c Nguyễn Văn Thọ, Phó trưởng phòng Phòng Hoa tiêu, Hoa tiêu hàng hải Ngoại hạng, thuộc Công ty Hoa tiêu hàng hải khu vực I, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam, Nguyễn Minh Hồng - Đài trưởng Đài Kiểm soát không lưu Pleiku Công ty Quản lý bay miền Trung, Tổng công ty quản lý bay Việt Nam.



Các đại biêu đương nhận Bằng khen của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tại hội nghị 
 
 

 
Quốc Thế Ban Tuyên giáo CĐN Tổng hợp theo Báo Lao Động