Tổng cục ĐBVN: Ứng dụng công nghệ mới nâng cao chất lượng công trình đường bộ

Ngày đăng: 11:26:06 - 28/ 04 /2021

Đường bộ được ví như “xương sống” của nền kinh tế, đảm bảo giao thông êm thuận, khai thác hiệu quả từ việc ứng dụng công nghệ mới, vật liệu, từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm giá thành và kéo giảm TNGT trong thời gian qua.
Hàng trăm điểm đen TNGT bị xóa sổ
Những năm gần đây, thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược trong đó có đột phá hạ tầng GTVT theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ so với các lĩnh vực khác, nên đã đảm nhận vai trò chủ yếu trong kết nối và vận tải vùng miền và quốc tế. Cả nước đã hoàn thành gần 1.000 km đường cao tốc đưa vào khai thác, hệ thống quốc lộ dài khoảng 25.000 km, trong đó 64% được xây dựng bằng bê tông nhựa (đường cấp cao). Để khai thác an toàn và hiệu quả góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, thời gian qua, ngành Đường bộ đã chủ động, sáng tạo ứng dụng nhiều công nghệ mới, vật liệu mới vào quản lý, khai thác, bảo trì.
 
Bắn đinh neo thép vào bản mặt thép sửa chữa mặt cầu Thăng Long

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN Nguyễn Văn Huyện, thời gian qua, trong điều kiện nguồn vốn còn gặp nhiều khó khăn nhưng Tổng cục vẫn dành ưu tiên cho công tác xử lý “điểm đen” TNGT mới phát sinh, điểm tiềm ẩn TNGT để ngăn chặn, đầy lùi TNGT, đặc biệt là TNGT thảm khốc. Hệ thống đường bộ được tăng cường và hoàn thiện các hạng mục bảo đảm ATGT như sơn kẻ tim đường, biển báo, đinh phản quang; các đoạn đường đèo dốc, vực sâu nguy hiểm được tăng lắp đặt hộ lan tôn sóng phòng hộ, xây đường cứu nạn, hốc cứu nạn, hộ lan con quay..., qua đó đã cứu được hàng chục vụ TNGT xe mất phanh, bộ mặt các công trình báo hiệu ATGT được cải thiện, được dư luận xã hội ghi nhận. Điển hình như: đường Hồ Chí Minh đoạn đèo Lò Xo tỉnh Kon Tum, QL6 qua Hòa Bình, Sơn La, QL5, QL3, QL12A Quảng Bình...) góp phần kéo giảm TNGT. Ông Nguyễn Văn Huyện đơn cử như đường lánh nạn trên QL6, với đặc điểm đèo dốc quanh co, liên tục nhiều cua tay áo, lại là tuyến đường huyết mạch đi các tỉnh Tây Bắc, nhiều lái xe đã thoát nạn khi gặp sự cố mất phanh. Chi phí để xây dựng một đoạn đường lánh nạn này không lớn nhưng hiệu quả mang lại vô cùng ý nghĩa, đó là tính mạng và tài sản của người dân được đảm bảo.
Ông Lê Xuân Cử - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Hòa Bình cũng cho biết, đường lánh nạn, trục xoay con lăn bằng lốp xe được lắp trên QL6 đoạn qua tỉnh Hòa Bình đã góp phần không nhỏ kéo giảm TNGT trên địa bàn. Như vụ TNGT xảy ra khoảng 17h00 ngày 10/11/2020, xe khách chở khoảng 30 người mang BKS 29B-121.21 di chuyển theo hướng Sơn La - Hà Nội, khi tới km144+600 QL6 đoạn qua địa phận xã Đồng Tân, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình bất ngờ mất phanh. Lúc này, tài xế đã đánh lái nhanh chóng điều khiển phương tiện lao vào đường cứu nạn bên trái tuyến. Chiếc xe khách lao vào trong khoảng 45 m và dừng lại, may mắn tất cả 30 hành khách trên xe đều an toàn, phương tiện không bị ảnh hưởng. Đây chỉ là một trong những vụ TNGT trong rất nhiều vụ thảm khốc ngăn chặn từ hiệu quả của đường cứu nạn mà Tổng cục ĐBVN xây dựng trên QL6.
Theo thống kê của Tổng cục ĐBVN, chỉ trong năm 2020 đã xử lý 97 “điểm đen” mới phát sinh, điểm tiềm ẩn TNGT, sơn kẻ 1.354 km vạch sơn đường; thay thế, điều chỉnh 2.225 cụm biển báo; sửa chữa bổ sung 184 km hộ lan phòng hộ; đã chỉnh trang bọc, dán màng phản quang đầu trụ tiêu, cột H, cột kilomet, vạch sơn, đinh phản quang để đảm bảo ATGT; thường trực tiếp nhận xử lý thông tin qua đường dây nóng, xử lý hàng trăm bất cập trong tổ chức giao thông, hư hỏng đột xuất cầu đường; kịp thời ứng trực xử lý phân luồng, phân làn giao thông phục vụ ATGT, góp phần kéo giảm TNGT của cả nước.
Ứng dụng nhiều công nghệ mới
Trong những năm qua, Tổng cục ĐBVN đã ứng dụng nhiều công nghệ mới, vật liệu mới vào xây dựng, sửa chữa hạ tầng đường bộ, nâng cao công tác bảo vệ và khai thác hiệu quả, an toàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đơn cử như toàn bộ dữ liệu cầu, đường, hồ sơ thiết kế, thi công, sửa chữa, nâng cấp đã được số hóa dữ liệu tại Tổng cục, qua đó khi cần sửa chữa, cơ quan quản lý có thể vào trích suất dữ liệu. Tổng cục đã phối hợp với nhiều trung tâm nghiên cứu có uy tín để áp dụng công nghệ mới vào thực tế như: đưa bê tông nhựa ấm sửa chữa trên QL10, đoạn từ km100+950 đến km101+250, đây là công trình phối hợp với Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc; vật liệu Carboncor Asphal CA19 và CA12,5 trong công tác xây dựng, bảo trì đường bộ; hộ lan bằng nhựa PVC của Công ty CARIS - Hàn Quốc; sửa mặt cầu Thăng Long bằng công nghệ sửa chữa bản thép trực hướng bằng kết cấu mặt cầu liên hợp siêu nhẹ, trong đó cào bóc lớp bê tông nhựa hiện hữu, làm sạch bản mặt thép; hàn các đinh neo thép vào bản mặt thép; lắp đặt lưới thép và đổ bê tông siêu tính năng (UHPC) cường độ tối thiểu 120 MPa; thi công lớp phủ gốc nhựa tạo nhám và êm thuận. Công nghệ sửa chữa mặt cầu Thăng Long không phải là mới, được thế giới áp dụng nhiều đối với mặt cầu bản thép, nhưng đây là lần đầu tiên công nghệ này được thi công tại Việt Nam.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Huyện, công tác kiểm soát tải trọng xe đã được đổi mới. Ngoài triển khai các cân xách tay tiện lợi, hiệu quả trên các tuyến đường ngang, hệ thống quốc lộ thì tại các trạm thu phí, cân tự động đều được lắp đặt. Đặc biệt, Tổng cục ĐBVN đã nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng thành công hệ thống cân kiểm tra tải trọng xe tự động từ bộ cân kiểm soát tải trọng do JICA tài trợ tại km78, QL5 TP. Hải Phòng, đã đưa vào xử phạt gián tiếp; đang triển khai lắp đặt hệ thống cân kiểm tra tải trọng xe tự động trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và cầu Thăng Long. Hiện nay, Tổng cục đang nghiên cứu xây dựng Đề án kiểm tra tải trọng phương tiện bằng hệ thống cân tự động để làm cơ sở phạt gián tiếp xe quá tải. Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và quản lý vận tải, Tổng cục ĐBVN đã số hóa từ khâu giám sát đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe cho đến giám sát hành trình trên đường, qua đó quản lý chặt chẽ từ lái xe, doanh nghiệp qua hệ thống phần mềm. Bên cạnh đó, Tổng cục ĐBVN đã nâng cấp hệ thống máy chủ, phần mềm kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia để thực hiện dịch vụ công mức độ 4 đối với thủ tục cấp mới và đổi giấy phép lái xe. Tổng cục thực hiện thí điểm dịch vụ công mức độ 4 đối với thủ tục cấp, đổi giấy phép lái xe trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, trên cơ sở tích hợp, chia sẻ dữ liệu khám sức khỏe của Bộ Y tế và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ của Bộ Công an. Đồng thời, sử dụng mã QR để đọc, giải mã nhanh thông tin trên giấy phép lái xe và liên kết với hệ thống thông tin quản lý giấy phép lái xe.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, trong những năm qua, ngành Đường bộ đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới, phương pháp thi công mới vào trong sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Qua đó, giao thông được bảo đảm an toàn, thông suốt, góp phần không nhỏ vào nỗ lực kéo giảm tai nạn và UTGT trong những năm qua.
Ban TGNC (Nguồn CTTĐT Bộ GTVT)