Hướng tới 100 năm Công đoàn Việt Nam

Ngày đăng: 10:42:26 - 12/ 02 /2024

100 năm là một cột mốc lịch sử của tổ chức Công đoàn Việt Nam, của giai cấp công nhân Việt Nam và của sự phát triển đất nước. Trên chặng đường đi tới cột mốc lịch sử đó đặt ra cho tổ chức Công đoàn nhiều nội dung cần phải suy nghĩ để định vị dấu ấn trong lòng đoàn viên, người lao động và trong sự phát triển của đất nước.
 

 
Ông Phạm Thế Duyệt (thứ ba, từ phải sang) cùng tập thể lãnh đạo Báo Lao Động tại Hội báo Xuân 2003. Ảnh: Tư liệu
 
Là người đã trưởng thành từ giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn và kinh qua nhiều vị trí công tác, chức vụ lãnh đạo, ông Phạm Thế Duyệt - nguyên Ủy viên Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam - bày tỏ những suy nghĩ sâu sắc về chặng đường hướng tới 100 năm tổ chức Công đoàn Việt Nam (1929 - 2029).

Định vị dấu ấn công đoàn
Nhắc lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, ông Phạm Thế Duyệt chia sẻ về những thành quả cách mạng to lớn qua gần 40 năm đổi mới và cho rằng, chúng ta linh hoạt trong ứng biến nhưng cái đích thì không thay đổi, chủ nghĩa xã hội cũng vậy, sự phát triển của tổ chức Công đoàn cũng vậy.
“Chúng ta đã phác thảo những hình dung của tổ chức Công đoàn trên hành trình hướng tới cột mốc 100 năm với những mục tiêu, định hướng. Song, chúng ta cần phải hành động mạnh mẽ, quyết liệt, phải thực tế chứ không được duy ý chí, không thể chỉ ước mong, vọng tưởng mà đi đến được cái đích đó” - ông Duyệt chia sẻ.

Theo ông Phạm Thế Duyệt, cách nhìn nhận, đánh giá về tổ chức Công đoàn, giai cấp công nhân cũng đã có những biến chuyển theo thời gian và sự phát triển của xã hội. Về dự báo thời gian tới, ông cho rằng giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn cũng không thể ngoài quy luật của sự phát triển. Tổ chức Công đoàn sẽ đi cùng với định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn này, đó là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội cùng với đó là tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp công nhân Việt Nam đã luôn luôn hăng hái đi đầu trong sự nghiệp cách mạng và hoạt động đúng hướng, góp phần vào những thắng lợi trong các giai đoạn cách mạng của nước ta.

Bồi đắp cho hành trình 100 năm
Trên hành trình hướng tới 100 năm tổ chức Công đoàn Việt Nam, không thể không suy nghĩ về những bài học thành công, sự lãnh đạo của Đảng với tổ chức công đoàn và phong trào công nhân lao động (CNLĐ). Chúng ta cần phải rút ra những bài học sâu sắc trong tiến trình phát triển. Đại hội XIII của Đảng, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam cũng đã xác định những mục tiêu, đường hướng chính xác. Chúng ta lấy đó làm cái đích để bồi đắp cho hành trình 100 năm tổ chức Công đoàn.
Đầu tiên, cần phải nhận thức sâu sắc rằng, Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và người lao động do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
“Cái chung là nhận thức về giai cấp công nhân và lao động phải theo tư tưởng của Bác Hồ, của chủ nghĩa Mác - Lênin, phải giải phóng được sức lao động, giải phóng nghèo đói... Tuy nhiên, chúng ta xác định điều này phải từng bước, phải có quá trình và tổ chức Công đoàn phải có trách nhiệm chăm lo cho công nhân, lao động” - ông Phạm Thế Duyệt nói và cũng đề cập tới việc chăm lo cho CNLĐ bây giờ cũng đã khác trước, phải tiến bộ hơn, thực chất hơn, đặt CNLĐ thực sự ở vị trí trung tâm.
Ngoài ra, ông Duyệt cũng cho rằng cần phải tập hợp lực lượng lao động theo hướng công nghiệp, đào tạo, trang bị kiến thức cho giai cấp công nhân, các tầng lớp lao động. Càng chăm lo tốt cho người lao động, bảo vệ tốt cho người lao động, đoàn viên công đoàn thì cũng chẳng thể có tổ chức nào cạnh tranh, thay thế tổ chức Công đoàn được.
Nhắc tới vai trò, chức năng của tổ chức Công đoàn, ông Duyệt nhấn mạnh, tổ chức Công đoàn phải tập hợp, đoàn kết, giác ngộ được người lao động và công nhân nhận thức về Đảng, tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng và từ đó thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng, giác ngộ được tư tưởng của Bác Hồ kính yêu, giác ngộ được đường lối đi lên chủ nghĩa xã hội của Đảng ta. Mối quan hệ của Đảng với giai cấp công nhân thông qua tổ chức Công đoàn phải luôn được coi trọng và nhận thức sâu sắc. Từ đó mới có được những điều bền vững.
“Trước lúc đi xa, trong di chúc của Bác Hồ đã nhắc tới nhân dân lao động. Bác Hồ đã căn dặn: Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân” - ông Duyệt nói và cho rằng, điều này phải được nhận thức rất sâu sắc và lúc nào cũng phải chăm lo cho người lao động. Đó là điều chúng ta phải suy nghĩ, không chỉ có quyền lợi trước mắt mà phải lâu dài.
Về việc tham gia quản lý Nhà nước, tổ chức Công đoàn cũng cần phải nắm chắc tình hình để lo cho lợi ích của công nhân, người lao động phù hợp với chủ trương của tổ chức Công đoàn, phù hợp với đường lối của Đảng. Ngoài ra, tổ chức Công đoàn phải sâu sát thực tiễn, ghi nhận những ý kiến từ thực tiễn để có những tiếp thu cũng như phản biện chính sách phù hợp. Từ đó có tham mưu, kiến nghị với Đảng, Nhà nước hoàn thiện chính sách, thể chế để chăm lo tốt nhất cho đoàn viên, người lao động.
100 năm tổ chức Công đoàn là một chặng đường, mốc son lịch sử. Từ đó chúng ta cũng phải suy nghĩ nhiều điều để tổ chức Công đoàn ngày càng lớn mạnh. Công đoàn vững mạnh, giai cấp công nhân vững mạnh thì khối đại đoàn kết toàn dân tộc và Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ ngày càng vững mạnh. Đó cũng chính là hành trình hướng tới khát vọng thịnh vượng, hùng cường của đất nước ta.

Vị thế của tổ chức Công đoàn được khẳng định, phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam): Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, để thực hiện được mục tiêu cao cả đó, hơn lúc nào hết, công nhân, lao động và tổ chức Công đoàn nước ta cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn nữa về vị trí, vai trò và sứ mệnh lịch sử của mình, chung tay xây dựng Công đoàn Việt Nam ngày càng vững mạnh toàn diện, xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động cả nước; là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Với truyền thống vẻ vang của Công đoàn Việt Nam suốt 94 năm qua, cùng những thành tựu to lớn đã đạt được và tinh thần “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển” của Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ sự tin tưởng nhiệm kỳ 2023 - 2028, nhiệm kỳ hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, tổ chức Công đoàn và phong trào công nhân, lao động Việt Nam chắc chắn sẽ có bước phát triển mới, lập nên những thành tích to lớn và ấn tượng hơn nữa, đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân với đất nước và dân tộc; xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.

 
Ban TGNC (nguồn Báo Lao động)