Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu khai mạc Lễ kỷ niệm 135 năm Ngày Quốc tế Lao Động

Ngày đăng: 04:11:41 - 28/ 04 /2021

Sáng 28.4, tại Hà Nội, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 135 năm Ngày Quốc tế Lao động (1.5.1886 – 1.5.2021), Phát động Tháng Công nhân và phối hợp với Ban Chỉ đạo Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2021.

Ảnh đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm
 
Tới dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; nguyên Ủy viên Thường vụ - Thường trực Bộ Chính trị, Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Phạm Thế Duyệt; Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh; Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang; Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung…
 
 

UVBCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang phát biểu khai mạc Lễ kỷ niệm

 
Đoàn đại biểu Công đoàn GTVT Việt Nam tham dự buổi Lễ có đồng chí Đỗ Nga Việt, UVBCS Đảng Bộ GTVT, UVBCH Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam, cùng các đồng chí Phó Chủ tịch, đại diện lãnh đạo các Ban Công đoàn ngành, đại diện lãnh đạo Công đoàn Cục Hàng hải Việt Nam và cán bộ, đoàn viên CNVLĐ Cục Hàng hải Việt Nam.
 

 Đoàn đại biểu tham dự của Công đoàn GTVT Việt Nam
 
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang phát biểu khai mạc Lễ kỷ niệm.
Kính thưa đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam;
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành đoàn thể Trung ương và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tổng LĐLĐVN;
Kính thưa quý vị đại biểu, khách quý;
Thưa toàn thể anh chị em đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động,
Trong không khí thi đua sôi nổi của những tháng đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; chào mừng kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ngày hội lớn của toàn dân, ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, hôm nay, tại Hà Nội - Thủ đô nghìn năm văn hiến, anh hùng, Thành phố vì hòa bình, Tổng LĐLĐVN tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 135 năm Ngày Quốc tế Lao động (1.5.1886-1.5.2021), phối hợp với Ban Chỉ đạo Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động triển khai Tháng Công nhân - Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2021. Thay mặt Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, tôi nhiệt liệt chào mừng và kính chúc sức khỏe các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vị đại biểu, khách quý; xin gửi đến toàn thể anh chị em đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động, cán bộ công đoàn cả nước lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Kính thưa quý vị đại biểu, khách quý,
Thưa toàn thể các đồng chí và các bạn;
Cách đây 135 năm, ngày 1.5.1886, tại thành phố Chi-ca-gô, nước Mỹ, đã diễn ra một sự kiện quan trọng, đánh dấu bước phát triển của phong trào công nhân thế giới. Hưởng ứng lời kêu gọi của Liên đoàn Lao động Mỹ, hàng chục ngàn công nhân toàn thành phố Chi-ca-gô đã tiến hành bãi công, tổ chức mít tinh và biểu tình trên đường phố với khẩu hiệu “Ngày làm việc 8 giờ”. Đây là kết quả tất yếu của quá trình đấu tranh lâu dài từ nửa cuối thế kỷ XIX của công nhân lao động nhiều nước trên thế giới khi họ bị bóc lột sức lao động nặng nề. Cuộc đấu tranh vì mục tiêu dân sinh, dân chủ, vì sự tiến bộ xã hội bị đàn áp đẫm máu, song đã tạo được sự hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của công nhân khắp nơi trên nước Mỹ và nhiều nước trên thế giới lên tiếng ủng hộ công nhân Chi - ca - gô. Khẩu hiệu “Ngày làm việc 8 giờ” trở thành tiếng nói chung của công nhân lao động ở nhiều nước. Từ các cuộc đấu tranh của công nhân lao động, chính phủ một số nước buộc phải ban hành đạo luật ngày làm việc 8 giờ. Để ghi nhận những thành quả của phong trào công nhân các nước, ngay trong Đại hội thành lập Quốc tế thứ II, ngày 14.7.1889, các đại biểu của giai cấp công nhân đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 1.5 làm Ngày đoàn kết đấu tranh của công nhân lao động trên toàn thế giới. Từ đó, ngày 1.5 trở thành Ngày Quốc tế Lao động; là ngày Lễ tại nhiều quốc gia, là ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, ngày đoàn kết giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Tại Việt Nam, ngay từ những năm đầu của thế kỷ XX, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam qua nhiều tác phẩm của Người, giúp công nhân lao động Việt Nam hiểu rõ phong trào cộng sản, công nhân, công đoàn thế giới, nhất là về Cách mạng Tháng Mười Nga và Ngày Quốc tế Lao động 1.5. Ngày 3.2.1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Ngay trong Cương lĩnh đầu tiên, Đảng ta đã xác định vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam là giai cấp lãnh đạo cách mạng, nòng cốt trong khối liên minh công - nông. Phong trào đấu tranh ngày 1.5.1930 đã mở đầu cho cao trào cách mạng 1930 - 1931. Lần đầu tiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng và hướng dẫn, vận động của Công hội đỏ, công nhân cùng với nông dân mít tinh biểu tình kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1.5, đấu tranh đòi quyền lợi, bày tỏ tình đoàn kết với công nhân lao động thế giới, tỏ rõ sức mạnh vô địch của khối liên minh công - nông. Trong cao trào cách mạng giai đoạn 1936-1939, ngày Quốc tế Lao động được tổ chức công khai. Tại Hà Nội, ngày 1.5.1938, từ nhiều ngả phố, hơn 25.000 người cuồn cuộn tuần hành về Nhà Đấu xảo Hà Nội (nay là Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt – Xô, nơi đang diễn ra sự kiện trọng thể này) để tiến hành cuộc mít tinh, nêu cao khẩu hiệu “Cơm áo, Hoà bình, Tự do”. Đây là cuộc mít tinh lớn nhất trong thời kỳ vận động dân chủ, biểu dương sức mạnh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp công nhân và phong trào công nhân đấu tranh đòi quyền dân chủ, dân sinh, quyền độc lập dân tộc đã trở thành trung tâm, thu hút các giai cấp khác, tạo thành sức mạnh vĩ đại làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, giành chính quyền về tay nhân dân.
Sau khi đất nước giành được độc lập, ngày 18.2.1946, Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh số 22c quy định ngày 1.5 là một trong những ngày Lễ chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 29.4.1946, Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh số 56 quy định công nhân lao động được hưởng lương ngày nghỉ lễ Quốc tế Lao động 1.5. Ngày 1.5.1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, mít tinh trọng thể kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động được tổ chức tại Hà Nội với sự tham dự của 20 vạn nhân dân lao động. Từ đây, giá trị của Ngày Quốc tế Lao động 1.5 không chỉ dừng lại ở tinh thần đoàn kết đấu tranh chống áp bức mà đã được nâng tầm với ý nghĩa sâu xa hơn như lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước đồng bào toàn quốc và anh chị em lao động: “Đối với chúng ta nó là một ngày để tỏ cho thế giới biết rằng ngày này chẳng những là ngày Tết lao động, mà nó còn là ngày toàn dân đoàn kết. Đoàn kết để giữ vững tự do dân chủ. Đoàn kết để kiến thiết nước nhà. Đoàn kết để xây dựng một đời sống mới”.
Phát huy tinh thần Ngày Quốc tế Lao động 1.5 và ghi nhớ lời hiệu triệu của Bác, cùng với nhân dân lao động, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, hàng vạn công nhân sẵn sàng lên đường cầm súng chiến đấu; các phong trào thi đua lao động, sản xuất, khôi phục kinh tế, kiến thiết nước nhà, xây dựng hậu phương lớn miền Bắc chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam đã được triển khai rộng khắp, thu hút đông đảo công nhân lao động tham gia, góp phần làm nên những chiến công oanh liệt, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 và Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Sau hơn 35 năm đổi mới, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, giai cấp công nhân Việt Nam đã có sự trưởng thành về mọi mặt, tăng nhanh về số lượng với gần 17 triệu người, chất lượng được nâng cao, đa đạng về cơ cấu, đã hình thành ngày càng đông đảo bộ phận công nhân trí thức. Giai cấp công nhân tiếp tục khẳng định vai trò là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng và Nhà nước ta.
Kính thưa quý vị đại biểu, khách quý,
Thưa toàn thể anh chị em đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động,
Tinh thần ngày Quốc tế lao động 1.5 đã gắn kết chặt chẽ giai cấp công nhân Việt Nam với với vô sản, cần lao quốc tế, với các giai cấp, tầng lớp khác trong xã hội. Từ tinh thần đoàn kết đó, giai cấp công nhân Việt Nam đã khẳng định vai trò, sứ mệnh lịch sử là giai cấp lãnh đạo cách mạng, là lực lượng nòng cốt trong liên minh – nông - trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng và có những đóng góp to lớn trong quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam. Tinh thần bất diệt của Ngày Quốc tế Lao động 1.5 và khí thế sôi nổi của các hoạt động, các phong trào công nhân lao động trong dịp này, được Tổng LĐLĐVN báo cáo, đề xuất với Ban Bí thư và được Ban Bí thư đồng ý tại Thông báo số 77-TB/TW ngày 24 tháng 2 năm 2012 lấy tháng 5 hàng năm làm “Tháng Công nhân”, với mục tiêu chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp quan tâm xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Năm nay, các cấp công đoàn cả nước kỷ niệm 135 năm Ngày Quốc tế Lao động 1.5, 75 năm Ngày Quốc tế Lao động được tổ chức trọng thể lần đầu tiên tại Thủ đô Hà Nội của nước Việt Nam độc lập, cũng là năm thứ 10 các cấp công đoàn triển khai “Tháng Công nhân” gắn với các hoạt động đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống. Gần 10 năm qua, “Tháng Công nhân” đã thực sự trở thành chuỗi ngày hội của công nhân lao động cả nước với nhiều hoạt động cụ thể hướng về người lao động, nhận được sự quan tâm sâu sắc của các cấp ủy đảng, chính quyền, người sử dụng lao động, sự hưởng ứng của đông đảo đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động và sự ghi nhận tích cực của xã hội. Các cấp công đoàn đã đẩy mạnh triển khai nhiều hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, lao động; cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp; khẳng định vai trò, vị thế và đóng góp của giai cấp công nhân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Từ hiệu quả và sức lan tỏa của Tháng Công nhân, nhận rõ vai trò của công nhân và lợi ích mà công nhân được thụ hưởng từ Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động, từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã công bố lấy tháng 5 hàng năm là “Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động” thay vì tổ chức Tuần lễ quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động và Phòng chống cháy nổ trước đây vào tháng 3 hàng năm. Kể từ đó, “Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động” là dịp để nâng cao nhận thức và sự tuân thủ luật pháp về an toàn, vệ sinh lao động; đẩy mạnh thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc, giảm ô nhiễm môi trường lao động, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe người lao động. Cũng từ đây, tháng 5 hằng năm được coi là tháng cao điểm tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động về mọi mặt, cả vật chất, tinh thần và sức khỏe. Và vì thế, Tháng 5 hàng năm , đã trở thành khoảnh khắc chờ đợi của rất nhiều đoàn viên, người lao động và cán bộ công đoàn; vào tháng 5, các cấp công đoàn sẽ tổ chức hàng loạt các hoạt động khác nhau hướng về người lao động.
Ở cấp Trung ương, Chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động trở thành hoạt động định kỳ, giải quyết nhiều vấn đề công nhân quan tâm, bức xúc, tạo hiệu ứng lan tỏa để lãnh đạo các địa phương, ngành, đơn vị gặp gỡ, đối thoại, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân, viên chức, lao động; lắng nghe và giải quyết kịp thời nhiều kiến nghị chính đáng của đoàn viên, người lao động. Nhân dịp Tháng Công nhân, các cấp Công đoàn đã chú trọng thực hiện các chương trình phúc lợi cho đoàn viên với hàng chục triệu lượt đoàn viên, công nhân lao động được thăm hỏi, hỗ trợ, tiếp sức, được kịp thời tháo gỡ khó khăn trong lao động, sản xuất và đời sống.
Ghi dấu hành trình 10 năm, “Tháng Công nhân” năm 2021 được Tổng LĐLĐVN chính thức phát động ngày hôm nay với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, vượt khó, phát triển” với 4 nhóm hoạt động, trong đó, trọng tâm là Chương trình “75 nghìn sáng kiến - vượt khó, phát triển” hướng về Tháng Công nhân, chào mừng ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, cùng đất nước vượt khó trong bối cảnh cả nước chung tay thực hiện mục tiêu kép, đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống. Chương trình được triển khai đã thu hút sự hưởng ứng tích cực của các cấp công đoàn, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động cả nước. Đến nay sau 40 ngày triển khai, Chương trình đã ghi nhận trên 245 nghìn sáng kiến của đoàn viên, người lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Các sáng kiến, ý tưởng sáng tạo được đề xuất từ hầu hết các lĩnh vực, được hình thành từ thực tiễn sản xuất, kinh doanh, công tác của tất cả các thành phần kinh tế. Đó là các sáng kiến nâng cao năng suất lao động, đổi mới công nghệ, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động; đó là các ý tưởng, giải pháp cải tiến quy trình làm việc, cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả dây chuyền sản xuất; hoặc những ý tưởng đề xuất về các mẫu mã, sản phẩm mới…Chương trình sẽ kết thúc, được tôn vinh, trao thưởng chặng 1 vào dịp kết thúc Tháng Công nhân, chào mừng thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là kết quả rất đáng khích lệ thể hiện tinh thần đoàn kết, sáng tạo, vượt khó, phát triển của cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động cả nước, trong bối cảnh đất nước đang gặp nhiều khó khăn, phải đương đầu với đại dịch Covid -19 và thực hiện mục tiêu kép. Thay mặt lãnh đạo Tổng LĐLĐVN, tôi chúc mừng và ghi nhận các sáng kiến tiêu biểu, có chất lượng của anh chị em đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động.
Kính thưa quý vị đại biểu, khách quý,
Thưa toàn thể anh chị em đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động,
Cách đây tròn 3 tháng, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã diễn ra và thành công rất tốt đẹp. Đất nước ta đứng trước thời cơ và vận hội mới, tầm nhìn Tổ quốc và khát vọng dân tộc được Đại hội xác định hết sức rõ ràng, trong đó giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam có sứ mệnh và trọng trách vô cùng to lớn, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hiện thực hóa khát vọng dân tộc, phải là lực lượng nòng cốt, đi đầu. Tại buổi lễ long trọng này, tôi kêu gọi công nhân, viên chức, lao động cả nước, tự hào và phát huy truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân, Công đoàn Việt Nam, ra sức thi đua học tập, lao động, sản xuất, công tác, đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống; lập thành tích chào mừng 131 năm ngày sinh của Bác Hồ kính yêu và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Mỗi công nhân, viên chức, lao động hãy thể hiện cao nhất tinh thần trách nhiệm của cử tri để lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức và tài, xứng đáng là đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân vào Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới. Phát huy tinh thần bất diệt của ngày Quốc tế lao động 1.5, tôi đề nghị các cấp công đoàn làm tốt công tác học tập, quán triệt, tuyên truyền và đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống bằng những việc làm, hoạt động cụ thể, sáng tạo, thiết thực. Với trách nhiệm cao trước Đảng, chúng ta nhận thức rằng, Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống thành công, có sự đóng góp của công nhân, viên chức, lao động và tổ chức Công đoàn; nơi nào Nghị quyết của Đảng chậm đi vào cuộc sống, không làm chuyển biến tình hình, có trách nhiệm lớn của tổ chức Công đoàn và đội ngũ công nhân, viên chức, lao động. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, tôi đề nghị các cấp công đoàn và công nhân, viên chức, lao động cả nước tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch chủ động, tích cực, thông minh; thực hiện nghiêm khuyến nghị 5K của Bộ Y tế; không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, hạn chế tập trung hoạt động đông người; thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp ở những địa phương gần biên giới, có nhiều khu công nghiệp.
Nhân dịp này, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng doanh nghiệp đối với hoạt động công đoàn, với sự lớn mạnh của giai cấp công nhân, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo, động viên kịp thời của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở trung ương, cấp ủy, chính quyền các địa phương. Định hướng của Đảng về xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh được ghi nhận tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chắc chắn sẽ tạo động lực quan trọng cho tổ chức Công đoàn và giai cấp công nhân Việt Nam những năm tới. Từ mục tiêu đấu tranh đòi quyền dân chủ, dân sinh, dân tộc độc lập, hòa bình, thống nhất của những năm đầu ra đời, ngày nay, mục tiêu, khát vọng của giai cấp công nhân cũng chính là mục tiêu, khát vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta là: xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Mục tiêu đó chắc chắn sẽ thành hiện thực, vì chúng ta có tổ chức Công đoàn Việt Nam trung thành, lớn mạnh, không ngừng đổi mới; có giai cấp công nhân Việt Nam bản lĩnh, tuyệt đối trung thành với lợi ích của dân tộc, đại diện cho phương thức sản xuất hiện đại, tích cực hội nhập quốc tế và đi đầu trong hiện đại hóa đất nước.
Một lần nữa, xin trân trọng cảm ơn và kính chúc sức khỏe các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đồng chí đại biểu, khách quý cùng toàn thể anh chị em đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động.
Xin trân trọng cảm ơn.
Ban TGNC (Nguồn Báo Lao động)

Tin Khác :