Sáng ngày (26/5), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì buổi giao ban trực tuyến, rà soát, kiểm điểm các nhiệm vụ trong tháng 5/2022 cũng như khối lượng công việc phải hoàn thành tháng 6 và cả năm 2022.
Cùng tham dự còn có các đồng chí Thứ trưởng Bộ GTVT, đồng chí Chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam Phạm Hoài Phương, đồng chí Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng.
Cùng tham dự còn có các đồng chí Thứ trưởng Bộ GTVT, đồng chí Chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam Phạm Hoài Phương, đồng chí Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì buổi Giao ban trực tuyến Tháng 5/2022
Báo cáo tại buổi làm việc, Chánh Văn phòng Bộ GTVT Nguyễn Trí Đức cho biết, tại kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT dự kiến đầu tư 66 dự án khởi công mới.
"Tính đến nay, 48/66 dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, gồm: 1 dự án quan trọng quốc gia (dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025), 2/9 dự án nhóm A (cầu Rạch Miễu 2 và cao tốc Cao Hữu - An Lãnh) và 45/53 dự ám nhóm B,C", ông Nguyễn Trí Đức nhấn mạnh đồng thời cho biết thêm, trong số các dự án được quyết định chủ trương đầu tư, đã phê duyệt đầu tư 14 dự án, gồm: dự án cầu Rạch Miễu; Dự án nâng cấp các đoạn tuyến quốc lộ: QL32 Phú Thọ, QL12 Quảng Bình, QL7 Nghệ An, QL2 Tuyên Quang, QL31 Bắc Giang; QL1 và cầu Tam Kỳ; QL1 qua Bình Định, QL26 Khánh Hòa.
Cùng đó là các dự án: đầu tư tuyến tránh TP Cao Bằng, dự án đóng mới tàu tìm kiếm cứu nạn xa bờ; Đài vệ tinh Cospas Sarsat; Đầu tư 2 tàu tiếp tế kiểm tra trên biển và dự án nâng cấp đường sắt Nha Trang - Sài Gòn.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các cơ quan đơn vị tập trung hơn nữa
để hoàn thành nhiệm vụ Tháng 5 và cả năm 2022
Về 18/66 dự án chưa được quyết định chủ trương đầu tư, Chánh Văn phòng Bộ GTVT cho biết, trong số này có 3 dự án quan trọng quốc gia, gồm: cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đang trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
7 dự án nhóm A, gồm: cao tốc Cao Lãnh - An Hữu; cầu Đại Ngãi, Logistics khu vực phía Nam; tuyến nối Hà Giang với Nội Bài - Lào Cai; Mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; Nâng cấp một số quốc lộ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (QL62, QL53, QL91B); Đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận.
8 dự án nhóm B, C chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư, gồm: QL14B Đà Nẵng; Cao tốc Dầu Giây - Tân Phú; Mở rộng một số cầu, hầm trên QL.1; Đấu nối ray giữa ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc; Hệ thống thông tin phục vụ hoạt động quản lý nhà nước của Tổng cục Đường bộ VN; Đường kết nối sau cảng Trần Đề; đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa và đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn.
Cũng tại buổi làm việc, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT đã báo cáo nhiều nội dung công việc đã hoàn thành và khó khăn, vướng mắc trong thời gian tới.
Về công tác quản lý hoạt động vận tải, bảo đảm TTATGT, Bộ GTVT tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp bảo đảm hoạt động vận tải gắn với phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt, trong dịp nghỉ Lễ 30/4, mùng 1/5 và những ngày diễn ra Seagame 31, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Bộ Công an, các bộ, ngành liên quan tổ chức phân luồng, bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt, hạn chế thấp nhất tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông, phục vụ đầy đủ, kịp thời nhu cầu đi lại của các đoàn thể thao tham gia Seagame 31 và của nhân dân.
Bộ đã tổng kết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả 10 năm triển khai thực hiện Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn 2012 - 2020; chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác quản lý các đơn vị kinh doanh vận tải, người điều khiển xe ô tô kinh doanh vận tải, xe mô tô 02 bánh vận chuyển hành khách, hàng hóa có ứng dụng công nghệ; đẩy mạnh công tác quản lý hoạt động thí điểm xe 4 bánh có gắn động cơ chở khách du lịch; yêu cầu sử dụng hệ thống xử lý dữ liệu hình ảnh phục vụ để tăng cường theo dõi và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Bộ cũng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan đánh giá, xử lý theo thẩm quyền và báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vận tải do tác động tăng giá nhiên liệu đến giá dịch vụ vận tải. Đồng thời, tiếp tục theo dõi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kịp thời trả lời nhiều kiến nghị, đề xuất của Hiệp hội, doanh nghiệp vận tải trong phạm vi thẩm quyền.
Về sản lượng vận tải, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển 05 tháng đầu năm 2022 ước đạt 304,217 triệu tấn, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó hàng xuất khẩu ước đạt 78,213 triệu tấn tăng 1% so với cùng kỳ năm 2021, hàng nhập khẩu ước đạt 85,205 triệu tấn giảm 10% so với cùng kỳ năm 2021, hàng nội địa ước đạt 140,129 triệu tấn tăng 8% so với cùng kỳ năm 2021, hàng quá cảnh bốc dỡ ước đạt 670 nghìn tấn.
Ước khối lượng hàng container thông qua cảng biển trong 05 tháng năm 2022, ước đạt 10,480 triệu TEUs tăng 1% so với cùng kỳ; trong đó hàng xuất khẩu ước đạt 3,348 triệu TEUs tăng 2% so với cùng kỳ, hàng nhập khẩu ước đạt 3,655 triệu TEUs tăng 6% so với cùng kỳ, hàng nội địa ước đạt 3,477 triệu TEUs giảm 3% so với cùng kỳ năm 2021.
Về tình hình TNGT, 05 tháng đầu năm toàn quốc xảy ra 4.733 vụ TNGT, làm chết 2.761 người, bị thương 3.078 người. So với cùng kỳ năm 2021, giảm 800 vụ (-14,46%), giảm 30 người người chết (-1,07%), giảm 875 người bị thương (-22,14%). Riêng tháng 5/2022, xảy ra 925 vụ, làm chết 485 người, làm bị thương 647 người; so với cùng kỳ năm 2021 giảm 106 vụ (-10,28%), giảm 36 người chết (-6,91%), giảm 74 người bị thương (-10,26%).
Cũng theo đại diện lãnh đạo các cơ quan thuộc Bộ, đến nay, Bộ GTVT đã giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022 cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án (4 đợt), đạt 90,1% kế hoạch thủ tướng Chính phủ giao. Lũy kế từ đầu năm đến nay, đã thẩm tra, phê duyệt quyết toán 26 dự án/hạng mục công trình.
Đối với công tác chuẩn bị đầu tư Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, đến nay đã cơ bản đáp ứng được các mốc tiến độ tại Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/02/2022 và các kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chỉ đạo.
Tại cuộc họp giao ban trực tuyến của Bộ GTVT, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đánh giá, từ đầu năm đến nay, các cơ quan, đơn vị đã thực hiện khối lượng công việc rất lớn, cơ bản hoàn thành các mục tiêu; công tác giải ngân của Bộ GTVT đang ở mức cao hơn các bộ, ngành, địa phương khác.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, mặc dù cùng một công việc nhưng có một số đơn vị làm rất tốt, nhiều đơn vị khác lại làm chưa tốt. Do đó, theo Bộ trưởng, nếu tất cả cùng tiến thì rõ ràng, cả ngành sẽ đạt kết quả tốt hơn nữa.
Đề cập đến công tác xây dựng kết cấu hạ tầng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, thời gian tới, công tác này sẽ bước vào giai đoạn rất khó khăn. Trong đó, 4 dự án cao tốc thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 (Mai Sơn - QL45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây) phải hoàn thành theo đúng tiến độ yêu cầu trong năm 2022. Bộ trưởng yêu cầu, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị phải lăn xả; Phải tranh thủ từng ngày, từng giờ, tranh thủ thời tiết thuận lợi, làm 3 ca, 4 ca ...thì mới có thể đưa 4 dự án cao tốc này về đích đúng hẹn.
Đối với 6 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 còn lại, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các cơ quan, đơn vị chú trọng vào 2 dự án Diễn Châu - Bãi Vọt (mới đạt 5%) và Cam Lâm - Vĩnh Hảo (đạt 13%).
"Riêng đối với với dự án Diễn Châu - Bãi Vọt, sau thời gian đầu gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn tín dụng, trong khoảng 2 tháng gần đây tiến độ đã có sự chuyển biến tốt", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá đồng thời biểu dương các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc thúc đẩy dự án này. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị cần phải kiên trì và quyết tâm đẩy mạnh hơn nữa, giải quyết triệt để các vấn đề vướng mắc làm cản trở tiến độ dự án.
Liên quan đến dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu, đến tháng 6/2022 phải phê duyệt toàn bộ các dự án thành phần.
Ban TGNC (Nguồn Cổng TTĐT Bộ GTVT)