Lễ thông tuyến Dự án Cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên – Lào Cai

Ngày đăng: 03:44:52 - 14/ 03 /2016

Dự án đường sắt Yên Viên – Lào Cai là tuyến đường sắt quan trọng phía Tây, là một phần thuộc hành lang giao thông Côn Minh – Hải Phòng do Ban Quản lý dự án Đường sắt làm đại diện chủ đầu tư. Tuyến trải dài 285km theo hướng Tây Bắc, từ ga Yên Viên, dọc theo bờ Bắc sông Hồng đến Lào Cai, biên giới giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc. Tuyến đường đi qua địa phận các tỉnh thành phố Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai.



Đ/c Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT phát biểu tại buổi Lễ
 
Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của Dự án là 166,46 triệu USD tương đương 3.434 tỷ VNĐ, bao gồm: Vốn vay ODA của Ngân hàng phát triển Châu Á là 60 triệu USD, vốn vay Cơ quan phát triển Pháp là 32 triệu Euro, vốn vay của Tổng vụ Ngân khố Pháp là 31 triệu Euro và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 16,71 triệu USD.
 


Đ/c Đỗ Nga Việt, Chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam
cắt băng khánh thành tại buổi Lễ

 

Việc hoàn thành giai đoạn 1 Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên – Lào Cai là một bước tiến quan trọng trong việc phát triển vận tải đường sắt tuyến phía tây nói riêng và hệ thống đường sắt cả nước nói chung. Theo đó, năng lực tuyến hiện nay đã được nâng lên, cho phép khai thác 23 đôi tàu/ngày đêm trên đoạn Việt Trì – Yên Bái, 33 đôi tàu/ngày đêm trên đoạn Yên Bái – Phố Lu, 17 đôi tàu/ngày đêm trên đoạn Phố Lu – Lào Cai, xóa bỏ hầu hết các điểm xung yếu gây mất an toàn trên tuyến và rút ngắn thêm 40 phút chạy tàu từ Hà Nội đến Lào Cai. Tới đây khi giai đoạn 2 của dự án tiếp tục được đầu tư hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải với mục tiêu 5 triệu hành khách/năm và 7,5 triệu tấn hàng hóa/năm, rút ngắn thời gian chạy tàu trên tuyến khoảng 90 phút và cho phép nâng cao hơn nữa năng lực khai thác, lập chạy tàu với tần suất ngày đêm cao hơn nữa trên toàn tuyến đường.
 

Dự án mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương ở khu vực Tây Bắc, là đòn bẩy tăng trưởng GDP cho các tỉnh khi giao thương được thuận tiện và nhanh chóng, tạo điều kiện giao lưu thương mại giữa vùng Tây Bắc – Việt Nam và tỉnh Vân Nam – Trung Quốc, tạo điều kiện cho việc tiếp cận hàng hóa từ cảng Hải Phòng đến tỉnh Vân Nam và ngược lại, đặc biệt là vận tải container, thúc đẩy phát triển du lịch, giảm áp lực giao thông đường bộ. Hơn thế nữa, năng lực vận tải hàng hóa của tuyến tăng lên một cách đáng kể, khắc phục cơ bản tình trạng quá tải vốn đã tồn tại từ lâu trên tuyến đường sắt quan trọng này.
 

Bài và ảnh: Ban Tài chính Công đoàn GTVT Việt Nam