Bộ GTVT và Công Đoàn GTVT Việt Nam tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện phong trào

Ngày đăng: 08:31:12 - 16/ 03 /2016

Chiều ngày (10/3) tại Hà Nội, Bộ giao thông Vận tải và Công đoàn GTVT Việt Nam tổ chức Hội nghị sơ kết phong trào thi đua thực hiện văn hóa ứng xử, giao tiếp trong cơ quan, đơn vị.Đến dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT, đồng chí Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT, đồng chí Đỗ Nga Việt, Chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo của Bộ các Tổng cục và các đơn vị thuộc ngành GTVT.



Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường phát biểu tại hội nghị
 

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng, đây là phong trào lớn của ngành, mặc dù thời gian triển khai chưa dài nhưng có sức lan tỏa rộng rãi và được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Để tiếp tục phát huy hiệu quả của phong trào này, Thứ trưởng yêu cầu: “Phải phát triển mạnh mẽ hơn nữa, sôi động hơn nữa, trên khắp các lĩnh vực, đi vào thực chất, chứ không phải hình thức”.
 


Chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam Đỗ Nga Việt báo cáo 2 năm thực hiện "4 xin và 4 luôn"
 

Tại hội nghị, Chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam Đỗ Nga Việt cho biết, ngày 13/5/2014, Công đoàn GTVT Việt Nam đã có công văn số 257a/CĐN về việc phát động thực hiện văn hóa ứng xử giao tiếp “4 xin”: “Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép” và “4 luôn”: “Luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu, luôn giúp đỡ” đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong ngành GTVT nhằm tạo dựng môi trường làm việc thân thiện, chuyên nghiệp, hiện đại và văn minh trong quan hệ ứng xử, giao tiếp tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong toàn ngành.
 


Thứ trưởng Lê Đình Thọ và Chủ tịch Công đoàn Đỗ Nga Việt tặng Bằng khen Bộ GTVT cho 15 tập thể
 

Đến nay, sau hai năm triển khai sâu rộng với nhiều hình thức, nội dung phong phú. Phong trào đã tạo sự chuyển biến tích cực, sâu rộng trong toàn thể cán bộ, công nhân viên chức lao động, đặc biệt đối với các cơ quan, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ của ngành. Các đơn vị đều xây dựng chương trình hành động và quy định cụ thể để thực hiện tốt phương châm “4 xin, 4 luôn” trong quan hệ ứng xử, giao tiếp giữa các đồng nghiệp, giữa cấp trên với cấp dưới, giữa người thực thi nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị với người dân, khách hàng, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành. Từ đó, hình thành nên nhận thức của mỗi cán bộ, công nhân viên chức lao động và đoàn viên công đoàn ngành GTVT về ý thức trách nhiệm của mình trong quan hệ giao tiếp, ứng xử hàng ngày...Việc thực hiện “4 xin, 4 luôn” phải xuất phát từ tâm, qua quá trình giáo dục, đào tạo. Các đơn vị phải xây dựng được quy chế nội bộ, với các quy định rất cụ thể để mọi người tuân thủ, chấp hành đầy đủ. Đặc biệt người đứng đầu ở các cơ quan phải gương mẫu, thực hiện nghiêm túc các quy định, quy chế. Cán bộ, công nhân viên chức lao động phải được tuyên truyền, giáo dục, học tập thường xuyên để nâng cao nhận thức tự giác thực hiện trở thành phản xạ tự nhiên. Trong quá trình triển khai phong trào phải có sơ kết, đánh giá, phân tích cái được cái chưa được. Sắp tới phải có sự tuyên dương các điển hình để nhân rộng hơn.
 


Đ/c Đỗ Nga Việt  và đ/c Phạm Chí Dân tặng Bằng khen Công đoàn GTVT VN
 

Hội nghị cũng đã giao lưu với một số cá nhân điển hình tiên tiến từ các lĩnh vực, ngành nghề trong ngành như đường sắt, dịch vụ sân bay, thu phí đường cao tốc, thanh tra…; trao đổi những kinh nghiệm thực tiễn trong triển khai thực hiện phong trào "4 xin, 4 luôn". Nhân dịp này, Bộ GTVT đã tuyên dương và tặng bằng khen cho 15 tập thể và 32 cá nhân xuất sắc trong triển khai thực hiện phong trào "4 xin, 4 luôn". Cùng đó, Công đoàn GTVT Việt Nam cũng tặng bằng khen cho 27 tập thể và 85 cá nhân điển hình.

CĐN