CẢNG HKQT NỘI BÀI GẶP GỠ NHÂN CHỨNG LỊCH SỬ KỶ NIỆM 50 NĂM CHIẾN THẮNG “HÀ NỘI – ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG”

Ngày đăng: 03:23:06 - 23/ 12 /2022

Nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" và kỷ niệm 78 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài tổ chức chương trình giao lưu tọa đàm “Bầu trời và Mặt đất”, gặp gỡ một số nhân chứng lịch sử tham gia chiến đấu chiến dịch Hà Nội - Điện Biên Phủ trên khôn,g đồng thời cũng là những thế hệ cán bộ đã đóng góp to lớn cho công cuộc xây dựng và phát triển Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.


Sân bay quốc tế Nội Bài thời đó là sân bay quân sự Đa Phúc bị tàn phá nặng nề nay đã vươn lên từ khói lửa chiến tranh, phát triển trở thành Top 100 sân bay tốt nhất thế giới. Tham dự có đại diện lãnh đạo Cảng hàng không quốc tế Nội Bài qua các thời kỳ và hơn 500 đoàn viên công đoàn, đoàn viên thanh niên và người lao động tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Phó Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Chủ tịch công đoàn Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Bà Trịnh Thị Liên Hương phát biểu đề dẫn nhấn mạnh: Nửa thế kỷ nhìn lại, chúng ta càng thêm tự hào về ý nghĩa lịch sử và thời đại của chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, thể hiện khí phách anh hùng, bản lĩnh trí tuệ, là bản hùng ca được viết bằng ý chí và sức mạnh của con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Buổi gặp gỡ, giao lưu này góp phần giáo dục truyền thống lịch sử vẻ vang, những chặng đường phát triển của ngành hàng không Việt Nam nói chung và Cảng hàng không quốc tế Nội Bài nói riêng tới đoàn viên công đoàn, đoàn viên thanh niên, lực lượng lao động trẻ tại Cảng.

 
 
Buổi tọa đàm với sự góp mặt của vị khách mời đặc biệt, Đại tá Nguyễn Công Huy -  nhân chứng lịch sử - Cựu phi công đại đội bay đánh đêm, nguyên Phó sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Sư đoàn Không quân 371, Nguyên Phó Tổng giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Cụm cảng hàng không miền Bắc, người đã cùng với đồng đội góp phần vào bản hùng ca “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” cách đây tròn 50 năm. Theo ông Huy, từ ngày 18/12/1972 cuộc tập kích đường không chiến lược của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh phụ cận mang tên Linebacker II chính thức bắt đầu. Mỹ mang máy bay B52 là một trong ba con bài của Mỹ nhằm hủy diệt Hải Phòng, Hà Nội. Các sân bay của chúng ta đều bị bom Mỹ đánh phá và 12 ngày đêm năm 1972 Mỹ đã đánh tới sáu, bảy chục lần vào các sân bay của ta với mục đích làm cho không quân Việt Nam không còn sân bay để máy bay cất cánh đánh lại chúng.
Là phi công tiêm kích Mig 21 trực tiếp chiến đấu trong những ngày tháng ác liệt của trận Điện Biên Phủ trên không, thời điểm đó phi công Nguyễn Công Huy mới 25 tuổi tham gia phi đội bay đêm cùng với những Anh hùng bắn rơi B52 như Phạm Tuân, Vũ Xuân Thiều… Những chuyến bay cất, hạ cánh từ đường băng các sân bay dã chiến như sân bay quân sự Đa Phúc lỗ chỗ hố bom.
Ông Nguyễn Công Huy chia sẻ: "Với phi công chúng tôi mọi chuyến bay đều là cảm tử, cận kề cái chết, nhưng chúng tôi không hề run sợ, sẵn sàng hy sinh chiến đấu xé tan xác pháo đài bay B52 của Mỹ xâm phạm vùng trời Thủ đô Hà Nội. Trước đó, từ năm 1967, không quân Việt Nam đã có kế hoạch nghiên cứu đánh pháo đài bay B52 của Mỹ và đưa ra cách đánh riêng, vì thế góp phần thành tích cùng các lực lượng vũ trang bắn hạ 33 máy bay B52 trong 12 ngày đêm".
Trả lời câu hỏi của đại diện đoàn viên thanh niên Cảng HKQT Nội Bài: “Vì sao Việt Nam lại đánh được B52 của Mỹ trong khi Mỹ dùng B52 đánh phá nhiều nước nhưng chưa nước nào hạ được pháo đài bay này?”, đại tá Nguyễn Công Huy trả lời đầy tự hào: “Ta đã thắng họ bằng tinh thần, bằng ý chí rất Việt Nam!”. Thay mặt thế hệ trẻ Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, đoàn viên thanh niên Lê Nguyễn Thanh Xuân rất cảm phục và xúc động khi nghe và hiểu lý do chúng ta đã chiến thắng trong cuộc chiến có quá nhiều chênh lệch này. Vì sao Pháo đài bay B52 chưa từng bị bắn hạ tại bất kỳ đâu trên trái đất này, lại bị bắn hạ trên bầu trời Hà Nội.
Ông Lê Mạnh Hùng – Nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Nguyên Tổng Giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không miền Bắc cũng hiện diện tại buổi tọa đàm. Ông xúc động kể lại về những ngày đầu gian khó xây dựng Cảng HKQT Nội Bài: “Trước khí thế chiến thắng hào hứng của toàn quân và dân ta sau trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, chúng tôi đã bắt tay vào những công trình, đề án đầu tiên do tổ chức ICAO tài trợ nhằm nâng cao năng lực khai thác điều hành sân bay. Từ một nhà ga rất bé phía bên khu vực quân sự, sau đó năm 1982, chúng ta xây dựng 01 nhà ga cấp 4 (giờ đã bỏ đi), đến 2001, chúng ta đưa Nhà ga hành khách T1 vào khai thác, rồi khánh thành Nhà ga quốc tế T2 năm 2015”. “Thế hệ trẻ sẽ tiếp tục xây dựng Cảng HKQT Nội Bài ngày càng phát triển xứng tầm với vị thế cửa ngõ hàng không quan trọng của Thủ đô Hà Nội”, Ông Lê Mạnh Hùng tin tưởng.
Thay mặt Ban lãnh đạo và những người lao động Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài Tô Tử Hà gửi lời tri ân đến thế hệ lãnh đạo đi trước đã tạo tiền đề, nền móng, đã xây nên những giá trị bền vững để các thế hệ về sau được kế thừa và phát huy. Ông Tô Tử Hà cho rằng thế hệ trẻ cần được truyền lửa cách mạng và được chia sẻ về những hy sinh của thế hệ cha ông để bảo vệ tổ quốc, từ đó thêm hiểu về lịch sử, truyền thống cách mạng của dân tộc như lời Bác Hồ đã nói: “Dân ta phải biết sử ta/cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.

 

Qua hoạt động này, đội ngũ Đoàn viên công đoàn,  đoàn viên thanh niên - lực lượng lao động trẻ có dịp ôn lại lịch sử vẻ vang của ngành hàng không Việt Nam, được hiểu sâu sắc hơn về quá khứ hào hùng của các thế hệ cha anh đi trước, thêm tự hào về nơi mình đang làm việc và cống hiến để phấn đấu hoàn thành tốt công việc, góp phần xây dựng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài ngày càng hiện đại.
Ban TGNC (Nguồn CĐ Cảng HKQT Nội Bài)