Thứ trưởng Nguyễn Văn Công và đoàn công tác của Bộ GTVT đã thắp hương và dâng hoa tưởng niệm các bậc tiền bối, những người đã đặt viên gạch nền móng cho ngành GTVT phát triển như ngày nay.
Sau lễ dâng hương, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công dự buổi gặp mặt kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống ngành GTVT (28/8/1945 - 28/8/2020) tại UBND xã Tân Thanh (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) - địa bàn đặt trụ sở đầu tiên của ngành GTVT.
Đoàn công tác Bộ GTVT thăm khu di tích
Tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Công phát biểu ôn lại những dấu ấn lịch sử của ngành GTVT khi đặt trụ sở tại thôn Múc Ròm trước kia (nay là thôn Tân Quang). Tại đây, từ năm 1947-1950, cũng là thời điểm đầu của cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Bộ Giao thông công chính (nay là Bộ GTVT) đã đặt trụ sở làm việc. Bộ trưởng Trần Đăng Khoa cùng cán bộ, lãnh đạo của ngành làm việc, chỉ đạo toàn ngành tham gia kháng chiến, kiến quốc.
Trong gần 4 năm ở vùng căn cứ này, cơ quan đầu não của Bộ Giao thông công chính lên kế hoạch khôi phục, làm mới hàng trăm con đường, cây cầu, bến phà... để mở đường cho quân ta thực hiện các chiến dịch và cuối cùng góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.
Cũng từ đây, Bộ Giao thông công chính ban hành nhiều quyết định tổ chức các công trường lớn như: Công trường mở đường 13 từ Nghĩa Lộ đánh thông đến tận sông Đà, công trường 111 mở đường từ biên giới Việt - Trung ở Lạng Sơn về trung tâm chiến khu Việt Bắc tại Thái Nguyên.
Trong gần 4 năm ở vùng căn cứ này, cơ quan đầu não của Bộ Giao thông công chính lên kế hoạch khôi phục, làm mới hàng trăm con đường, cây cầu, bến phà... để mở đường cho quân ta thực hiện các chiến dịch và cuối cùng góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.
Cũng từ đây, Bộ Giao thông công chính ban hành nhiều quyết định tổ chức các công trường lớn như: Công trường mở đường 13 từ Nghĩa Lộ đánh thông đến tận sông Đà, công trường 111 mở đường từ biên giới Việt - Trung ở Lạng Sơn về trung tâm chiến khu Việt Bắc tại Thái Nguyên.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công và Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy tỉnh Tuyên Quang Phùng Tiến Quân trao quà các gia đình chính sách, khó khăn xã Tân Thanh
Chủ tịch Công đoàn GTVT VN Đỗ Nga Việt và Phó trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang Ma Thị Thúy trao quà các gia đình chính sách, khó khăn tại xã Tân Thanh
Thứ trưởng Công cho biết, để có được những kết quả này, ngành GTVT nhận được sự giúp đỡ to lớn, hiệu quả của người dân nơi đây. Bà con thôn Múc Ròm trước kia (nay là thôn Tân Quang) không kể nguy hiểm, hy sinh đã bảo bọc cho cán bộ và Bộ Giao thông công chính thời chiến tranh, kháng chiến, góp phần vào thắng lợi của đất nước. Sau này, khi đất nước đã hòa bình, đổi mới, đời sống bà con nhân dân ngày càng ấm no hơn, tốt đẹp hơn nhưng vẫn luôn dành sự quan tâm, chăm sóc, bảo vệ để gìn giữ khu di tích ngành GTVT.
“Chúng tôi rất trân trọng, ghi nhớ, biết ơn trước sự quan tâm, đóng góp của bà con nhân dân, của lãnh đạo xã, huyện, tỉnh Tuyên Quang. Đặc biệt, bà con còn hiến đất để chúng tôi xây dựng, tu bổ khu di tích này. Hiện đã có quy hoạch, sắp tới Bộ GTVT sẽ huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng khu di tích ngày càng đàng hoàng hơn, xứng đáng với tầm vóc của ngành GTVT, với sự đóng góp của bà con nhân dân đối với sự nghiệp ngành GTVT”, Thứ trưởng Công nói.
Cũng theo Thứ trưởng, CBCNV ngành GTVT sẽ luôn phát huy truyền thống “Đi trước mở đường”, nêu cao truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, tiếp tục có sự đóng góp, tu bổ khu di tích, cũng như hỗ trợ về hạ tầng giao thông, cơ sở hạ tầng… để nâng cao đời sống văn hóa, vật chất của bà con trên địa bàn.
Tại buổi gặp mặt, lãnh đạo UBND huyện Sơn Dương công bố quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng mở rộng, sửa chữa, tu bổ, tôn tạo khu di tích Bộ Giao thông công chính (nay là Bộ GTVT). Theo đó, tổng diện tích đất quy hoạch là 6.427 m2.
Nhân dịp này, từ nguồn Quỹ Xã hội - Từ thiện Công đoàn Giao thông vân tải Việt Nam đã trao tặng 30 phần quà, tổng trị giá 60 triệu đồng cho 30 gia đình thương, bệnh binh, nhiễm chất độc màu da cam và trường hợp có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Tân Thanh.
Nguồn: Báo Giao thông