Thi đua tiến độ làm siêu sân bay Long Thành

Ngày đăng: 10:41:03 - 23/ 01 /2025

Tiến độ siêu dự án sân bay Long Thành được rút ngắn thời gian hoàn thành là 31/12 để chào mừng các sự kiện lớn của đất nước. Chủ đầu tư, các nhà thầu đã lập lại tiến độ từng hạng mục, đảm bảo hoàn thành theo kế hoạch đề ra.
Lập lại kế hoạch, đẩy nhanh thi công
Công trường dự án sân bay Long Thành những ngày cuối năm tất bật hơn. Hàng nghìn cán bộ kỹ sư, công nhân bám trụ tại các dự án thành phần như nhà ga, đường băng, sân đỗ, đường kết nối T1, T2... để thi công "3 ca 4 kíp". Cả đại công trường sáng đèn suốt đêm như một thành phố thu nhỏ.

 
Sân bay Long Thành đang chạy đua tiến độ để kịp hoàn thành cuối năm 2025, chào mừng các sự kiện lớn của đất nước

Ông Vũ Thế Phiệt, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, tiến độ của gói thầu nhà ga đang rất tốt. Các nhà thầu đang lắp đặt hệ thống khung thép, hệ kính, mái... để hoàn chỉnh phần mái, tạo thuận lợi cho việc lắp đặt hệ thống thiết bị bên trong.
Tại cuộc kiểm tra trong những ngày cuối năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu chủ đầu tư, các nhà thầu tăng tốc hơn nữa việc thi công, đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành đưa vào khai thác cuối năm 2025.
Thực hiện chỉ đạo này, Bộ GTVT đã lập tổ thường trực tại dự án để nắm tiến độ hằng ngày. Ông Nguyễn Bách Tùng, Phó cục trưởng Cục quản lý đầu tư xây dựng được phân công là tổ phó tổ thường trực cho biết, đã làm việc với chủ đầu tư và từng nhà thầu để rà lại tiến độ các hạng mục. Trên cơ sở đó, lập lại tiến độ tổng thể chung của dự án với đích hoàn thành là ngày 31/12/2025.
Ông Lê Hoàng Minh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty quản lý bay, chủ đầu tư dự án thành phần 2 - các công trình quản lý bay cho biết, tiến độ các gói thầu đang tốt. Trong đó, tháp không lưu đã xong phần thô, chuẩn bị lắp kết cấu thép mái, vượt tiến độ khoảng 2 tháng, đến ngày 30/6/2025 sẽ hoàn thành toàn bộ phần xây lắp.
Hệ thống trang thiết bị sẽ nhập khẩu hoàn toàn. Trong 6 gói thiết bị đã đấu thầu 2 gói, 4 gói sẽ tiếp tục đấu thầu.
Dự án thành phần 4 có tiến độ triển khai chậm so với các dự án khác. Ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, các đơn vị thành viên của Vietnam Airlines vừa được lựa chọn là nhà đầu tư hạ tầng phụ trợ gồm cơ sở sửa chữa máy bay (hangar), dịch vụ cung cấp suất ăn, dịch vụ mặt đất... tại sân bay Long Thành.
Có những gói thầu triển khai hơn 18 tháng, tức năm 2026 mới xong. Tuy nhiên, với những chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, ông Hà cho biết, sẽ yêu cầu các đơn vị lập lại tiến độ các hạng mục để nỗ lực hoàn thành đúng kế hoạch.
Kết nối thuận tiện
Để kết nối sân bay Long Thành, hệ thống các cao tốc như TP.HCM - Long Thành, Bến Lức - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu, Vành đai 3, 4 đang được xây dựng, mở rộng, việc kết nối từ các địa phương vào sân bay Long Thành chắc chắn sẽ rất thuận tiện.

Thiết kế bên trong nhà ga Long Thành

hiện đại, hướng đến thân thiện môi trường

Đặc biệt, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Điểm đáng lưu ý là tuyến đường sắt này đi ngang qua giữa sân bay Long Thành, tạo thế đường bộ - đường sắt - hàng không kết hợp, rất thuận tiện.
Theo đại diện Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI), một trong các thành viên của liên danh tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sẽ đi giữa đường trục chính của sân bay Long Thành. Vị trí ga hành khách nằm ở trước nhà ga sân bay, gần với đài kiểm soát không lưu. Đoạn tuyến này dài khoảng 40m phía trước nhà ga T1 và T2 của sân bay Long Thành, được thiết kế đi ngầm dưới tuyến đường trục chính của sân bay.
Việc thiết kế đi ngầm nhằm phối hợp với các tuyến taxiway (là đường đi của tàu bay tại sân bay kết nối đường băng với sân đỗ, nhà chứa máy bay, nhà ga) đảm bảo tĩnh không cho các đường băng ngang này. Đồng thời, cũng là một điểm nhấn đặc biệt cho sân bay, không làm ảnh hưởng đến cảnh quan hay các hạng mục khác.
Ngoài ra, tuyến đường sắt Long Thành - Thủ Thiêm với vốn đầu tư 3,3 tỷ USD, dài 42km cũng đang được nghiên cứu để sớm đầu tư.
Tự động hóa từ ngoài vào trong
Ông Vũ Thế Phiệt cho biết, hiện toàn bộ hệ thống trang thiết bị phục vụ trong nhà ga như băng chuyên, thiết bị soi chiếu... đã được đấu thầu, do các nhà thầu nước ngoài cung cấp. Các thiết bị này được thiết kế riêng cho sân bay Long Thành, hoàn toàn tự động, sử dụng công nghệ AI, hạn chế tối đa tác động của con người trong quá trình vận hành.
Thông tin chi tiết hơn, ông Dương Quang Điện, Phó giám đốc thường trực Ban QLDA Long Thành cho biết, điểm nổi bật ở sân bay Long Thành là áp dụng công nghệ AI vào hệ thống quản lý an ninh, phân tích dữ liệu như làm thủ tục hành khách, xuất nhập cảnh nhằm hỗ trợ việc nhân dạng, danh tính của hành khách thông qua dữ liệu sinh trắc học (khuôn mặt, dấu vân tay).
Những hình ảnh hành khách xếp hàng chờ làm thủ tục an ninh, soi chiếu như ở các sân bay khác sẽ không còn xuất hiện ở Long Thành. Việc kiểm soát an ninh, làm thủ tục xuất nhập cảnh cũng hoàn toàn tự động, không có nhân viên. Hành khách không phải tháo giày để kiểm tra mỗi khi qua an ninh như ở các sân bay hiện nay.
Ngay cả chuyện hành lý ký gửi cũng sẽ được gắn các mã, vận chuyển bằng khay độc lập kết hợp với công nghệ nhận dạng thông tin giúp cho việc phân loại hành lý chính xác. Quá trình soi chiếu an ninh, soi chiếu hải quan hoàn toàn tự động, an toàn. Hành khách có thể truy cập vào hệ thống để theo dõi lộ trình hành lý của mình đang di chuyển đến đâu để khỏi mất công xếp hàng chờ đợi.
Kiến trúc nhà ga hành khách lấy cảm hứng từ hình ảnh hoa sen, áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất để tối ưu hóa việc sử dụng ánh sáng tự nhiên. Mái nhà ga, các khu vực nội thất được thiết kế với các vật liệu có khả năng cách nhiệt, phản xạ ánh sáng, giảm thiểu sử dụng năng lượng điện. Các phương tiện vận hành trong sân bay sẽ hướng đến sử dụng xe điện.
Để sân bay Long Thành vận hành, phục vụ hành khách, cần khoảng 14.000 lao động ở tất cả các bộ phận khác nhau. Lãnh đạo Học viện Hàng không Việt Nam cho biết, đã phối hợp với các đơn vị như Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, các đơn vị phục vụ mặt đất, dịch vụ để đào tạo nguồn nhân lực.
Tại Đồng Nai, Trường Lilama cũng đã phối hợp với Công ty Cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn đào tạo hàng trăm sinh viên, sẵn sàng cho việc vận hành khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động.
TGNC (Nguồn Cổng TTĐT Bộ GTVT)