Kiểm tra giám sát cho thấy hiệu quả việc chấp hành tốt Điều lệ Công đoàn

Ngày đăng: 10:36:21 - 24/ 03 /2025

Chiều 21.3, tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Tổng LĐLĐVN tổ chức Hội thảo lấy ý kiến vào dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết về nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Ủy ban kiểm tra công đoàn (Nghị quyết 06b).
 

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đoàn Hưng

Dự hội thảo có ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN; bà Thái Thu Xương, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN; ông Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN; ông Nguyễn Thanh Sơn - Vụ trưởng Vụ 6, Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
5 năm, phát hiện, kiến nghị truy nộp gần 782 tỉ đồng
Sau khi Nghị quyết 06b/NQ-BCH ngày 3.8.2015 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN về nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động ủy ban kiểm tra công đoàn được ban hành, LĐLĐ các tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương hầu hết đều kịp thời triển khai Nghị quyết. Các đơn vị đã xây dựng kế hoạch và chương trình, hướng dẫn các cấp công đoàn tổ chức thực hiện.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ủy ban kiểm tra các cấp thường xuyên từng bước đổi mới phương pháp, lề lối làm việc, nâng chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát. Công tác kiểm tra, giám sát có những chuyển biến quan trọng. Các cấp công đoàn đã ban hành nhiều văn bản, quy định về công tác kiểm tra, giám sát nhằm phát huy vai trò, nhiệm vụ của ban chấp hành, ban thường vụ, ủy ban kiểm tra công đoàn.
Hoạt động kiểm tra, giám sát công đoàn các cấp đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao ý thức chấp hành Điều lệ; tích cực phát hiện và ngăn chặn kịp thời các biểu hiện vi phạm Điều lệ, Nghị quyết, chỉ thị và các quy định của công đoàn, tăng cường phát triển đoàn viên; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công đoàn, hạn chế tiêu cực, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.
Nội dung hoạt động của ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp đã cơ bản bám sát chương trình công tác hằng năm của Uỷ ban Kiểm tra Tổng LĐLĐVN, gắn với tình hình cụ thể ở mỗi cấp để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của tổ chức Công đoàn. Hằng năm, ban chấp hành, ban thường vụ, ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp đều xây dựng, ban hành chương trình công tác, kế hoạch kiểm tra, giám sát cụ thể, sát với thực tiễn và chỉ đạo của công đoàn cấp trên.
Trong 5 năm thực hiện Nghị quyết 06b (từ năm 2021 đến năm 2025), các cấp công đoàn đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành Điều lệ Công đoàn 388.156 cuộc. Trong đó, Tổng LĐLĐVN 80 cuộc; LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương 3.393 cuộc; công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở 82.747 cuộc; công đoàn cơ sở và nghiệp đoàn 301.936 cuộc. Giám sát 127.791 cuộc. Trong đó, Tổng LĐLĐVN 81 cuộc; LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương 2.620 cuộc; công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở 31.303 cuộc; công đoàn cơ sở và nghiệp đoàn 93.797 cuộc.
Kiểm tra quản lý sử dụng tài chính, tài sản và hoạt động kinh tế công đoàn 421.823 cuộc, trong đó kiểm tra cùng cấp 306.628 cuộc, kiểm tra cấp dưới 115.195 cuộc. Qua công tác kiểm tra kịp thời phát hiện, kiến nghị truy nộp gần 782 tỉ đồng…
Qua kiểm tra, giám sát cho thấy hiệu quả của việc thúc đẩy công đoàn các cấp chấp hành tốt Điều lệ Công đoàn, triển khai được các chỉ đạo của công đoàn các cấp quản lý và sử dụng tài chính công đoàn đúng quy định; chất lượng kiểm tra, giám sát việc chấp hành Điều lệ Công đoàn được nâng cao...
Việc kiểm tra luôn cần thiết và thường xuyên
Để công tác kiểm tra, giám sát hiệu quả hơn nữa trong tình hình mới, ủy ban kiểm tra công đoàn một số đơn vị đề nghị ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 06b để phù hợp với tình hình thực tiễn của công tác kiểm tra, giám sát công đoàn hiện nay.
Một số chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết 06b qua nhiều năm triển khai, thực hiện không còn phù hợp, đề nghị có sự điều chỉnh khi ban hành nghị quyết mới. Đề nghị bổ sung, điều chỉnh một số nhiệm vụ, giải pháp khi ban hành nghị quyết mới.
Đại diện LĐLĐ TP Hà Nội cho rằng, chưa nên ra nghị quyết mới thay cho Nghị quyết 06b vì cả nước vẫn đang trong quá trình sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, mà chỉ nên ra thông báo hoặc kết luận điều chỉnh một số chỉ tiêu, kế hoạch kiểm tra trong thời gian tới.
Ủy ban Kiểm tra Tổng LĐLĐVN cũng kiến nghị việc ban hành nghị quyết mới trong thời điểm hiện tại là chưa phù hợp; sau khi đã rõ mô hình tổ chức Công đoàn sẽ xem xét ban hành nghị quyết cho phù hợp sau. Tuy nhiên, các đại biểu đều đồng ý rằng, dù có sắp xếp bộ máy như thế nào thì việc kiểm tra là luôn cần thiết và thường xuyên.
Vấn đề là nhiệm vụ cần phải phù hợp với thực tế tình hình hiện nay, bởi chỉ xét về mặt tổ chức, việc sắp xếp lại các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có Công đoàn Việt Nam, giao nhiệm vụ về trực thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ dẫn đến cơ cấu tổ chức bộ máy công đoàn các cấp, chức năng nhiệm vụ của các ban chuyên môn và ủy ban kiểm tra có sự cải tổ, thay đổi toàn diện. Khi đó để đáp ứng yêu cầu công việc trong và sau khi hoàn thành việc tinh gọn và sắp xếp lại bộ máy tổ chức Công đoàn, tất yếu một bộ phận cán bộ sẽ phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ ngoài nhiệm vụ chuyên môn đặc thù công đoàn tại các cấp công đoàn từ Trung ương đến địa phương.
Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang cho rằng, Nghị quyết 06b bộc lộ nhiều bất cập, nhiều nội dung còn mang tính chất hình thức. Vì vậy, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đề nghị các đại biểu đóng góp ý kiến về mô hình, cách thức hoạt động để công tác kiểm tra hiệu quả, thực chất. Trong đó, nghiên cứu xem có để cán bộ kiểm tra kiêm nhiệm không, bởi thực tế mô hình này không hiệu quả. Theo ông Nguyễn Đình Khang cho biết, tới đây, các ủy ban kiểm tra công đoàn sẽ chỉ tập trung vào công tác kiểm tra tài chính.
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang giao Ủy ban Kiểm tra Tổng LĐLĐVN phối hợp hoàn thành báo cáo tổng kết Nghị quyết 06b chất lượng để phục vụ cho Hội nghị tổng kết toàn quốc về Nghị quyết 06b, dự kiến được tổ chức vào ngày 31.3 tới.
TGNC (Nguồn TLĐ)